Phạm vi quy hoạch là các cơ sở trợ giúp xã hội công lập trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở ngoài công lập trên phạm vi cả nước. Đối tượng quy hoạch, gồm: cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp; trung tâm công tác xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy (gọi chung là cơ sở trợ giúp xã hội).
Về mục tiêu phát triển: Đến năm 2030 nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đa dạng về loại hình, hiệu quả về dịch vụ, đủ năng lực, quy mô. Mở rộng, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng trong xã hội, tạo điều kiện phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; phân bố hợp lý về nhu cầu trợ giúp, quy mô, cơ cấu vùng, miền. Đảm bảo là cơ sở để tổ chức không gian, phát triển và quản lý mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với từng địa phương, từng giai đoạn quy hoạch bảo đảm tính khách quan, khoa học và pháp lý hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý, trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người chăm sóc, không có điều kiện sống tại cộng đồng, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tối thiểu 90% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng từ các cơ sở cai nghiện. Tối thiểu 90% các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các tiêu chí, điều kiện tiếp cận theo quy định đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Tối thiểu 50% số cơ sở ngoài công lập hiện có trong mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được củng cố, phát triển về chất lượng, công suất phục vụ. Đạt tối thiểu 90% số người có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý trường hợp.
Đến năm 2050, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội đến từng đơn vị hành chính cấp xã, đến các khu dân cư, bảo đảm các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và yếu thế được trợ giúp xã hội kịp thời, phù hợp với nhu cầu. Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, nhất là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập bảo đảm đủ năng lực, điều kiện, quy mô, công suất đáp ứng toàn diện, đa dạng các nhu cầu trợ giúp xã hội.
Về phương án phát triển: Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước đến năm 2030 đạt tối thiểu 725 cơ sở (công lập và ngoài công lập), gồm: Tối thiểu 90 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; tối thiểu 94 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tối thiểu 130 cơ sở cai nghiện ma túy; tối thiểu 130 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tối thiểu 117 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; tối thiểu 164 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội.
Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tối thiểu 169 cơ sở (công lập và ngoài công lập), gồm: 21 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; 23 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 25 cơ sở cai nghiện ma túy công lập; 30 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 27 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; 43 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội.
Quy hoạch đề ra 10 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện gồm: (1). Giải pháp về cơ chế, chính sách; (2) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; (3). Giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất; (4). Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; (5). Giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; (6). Giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; (7). Giải pháp về hợp tác quốc tế; (8). Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; (9). Giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động; (10). Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả Quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí quỹ đất để phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển cơ sở trợ giúp xã hội theo Quy hoạch được phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan; uu tiên bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để đầu tư mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.

Xem chi tiết văn bản tại đây

Nguồn: Vinanet/VITIC