Năm 2007, có hơn 85.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có trên 50% lao động ở các thị trường có thu nhập cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc.... Thu nhập của người lao động gửi về nước trong năm 2007 đạt trên 1,7 tỷ USD. Hoạt động phát triển thị trường lao động đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm như mở rộng thị trường tại Châu Á và Trung Đông; xúc tiến mở rộng thị trường Châu Phi, Châu Âu, Mỹ, Canada...

Tuy nhiên, xuất khẩu lao động vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, cần phải chuẩn bị tốt 3 khâu là đào tạo nghề, tổ chức lao động hợp pháp và vốn vay.

Đối với đào tạo nghề, cần phải có tiêu chí để giám sát và kiểm định chất lượng đào tạo; các trường dạy nghề ngoài việc đào tạo theo chương trình khung của Bộ cần công bố chuẩn năng lực của người tốt nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, việc chưa có cơ chế xử lý những đơn vị đào tạo kém chất lượng, cũng như chưa có tiêu chí để giám sát chất lượng đào tạo cũng là một trong những hạn chế cản trở việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, trở ngại lớn nhất của xuất khẩu lao động chính là chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và tình trạng các tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động lợi dụng lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ và tay nghề; tình trạng lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, pháp luật của nước sở tại vẫn là một vấn đề cản trở thực sự việc phát triển thị trường lao động.

(Web Chinh phủ)

 

Nguồn: Vinanet