Các doanh nghiệp nông sản cho rằng xuất khẩu trong năm 2015 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và kiến nghị các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần nhanh chóng được triển khai trong thực tế.

Nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định rằng ngành điều đã hết dư địa để tăng sản lượng XK bằng nguyên liệu trong nước và những năm gần đây phải NK điều thô từ châu Phi, Campuchia, Indonesia… để chế biến XK. Theo tìm hiểu của Vinacas, năm 2015 hầu hết DN điều không có kế hoạch mở rộng sản lượng XK mà sẽ tăng chế biến sâu, tận dụng phế phẩm như dầu vỏ điều. Hiện nay khó khăn của DN điều là ở khâu thanh toán quốc tế do tất cả ngân hàng Việt Nam không có chi nhánh ở châu Phi nên khi mở L/C phải thông qua ngân hàng nước ngoài khiến chi phí đội lên rất cao. Ngành điều là ngành có nhiều tiềm năng chế biến sâu, hầu hết máy móc đều nội địa hóa 100% do đó Vinacas kiến nghị Chính phủ có chính sách và kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu tập thể cho điều Việt Nam.

Bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, năm 2015 dự báo XK cao su Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó như năm 2014, sản lượng không tăng, giá XK thấp vì cung vượt cầu. Một khó khăn nữa là giá dầu giảm đang khuyến khích tăng sản lượng cao su nhân tạo là 1 phụ phẩm của dầu. Do đó DN cao su Việt Nam đang tích cực tìm kiếm thị trường mới, tăng chế biến sâu. Theo bà Hoa, hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước đã được kí kết nhưng thông tin chi tiết về cam kết cắt giảm thuế quan DN chưa nắm rõ, do đó đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xây dựng một trang thông tin về FTA cho từng ngành hàng. Bên cạnh đó, do mặt hàng cao su sơ chế phải chịu thuế Gía trị gia tăng nên DN XK cao su mất nhiều thời gian để được hoàn thuế và phải chịu lãi vay ngân hàng rất lớn để nộp thuế. 

“Cao su Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về chất lượng dẫn đến việc các nhà NK nước ngoài thường trả giá thấp hơn 200 - 300 USD/tấn so với cao su các nước khác như Thái Lan, Malaysia. Indonesia… Để khắc phục nhược điểm này VRA kiến nghị cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cao su Việt Nam ngay trong năm 2015”, bà Trần Thị Thúy Hoa cho biết.

Theo ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty cà phê Phúc Sinh, vụ mùa cà phê năm 2013-2014, Việt Nam đã có một kết quả khá tốt với mức giá ổn định, doanh thu ngành cà phê khá cao. Tuy nhiên, khi hội nhập thì việc kinh doanh cà phê hiện nay khá khó khăn, DN cà phê muốn phát triển và không bị DN nước ngoài thôn tính phải thay đổi nhiều hình thức kinh doanh. Cụ thể, các công ty XK cà phê nhân cũng cần tham gia nhiều hơn các triển lãm hội chợ trên thế giới để xem cà phê thế giới được bán như thế nào, được uống ra là sao. Hiện nay, có rất nhiều DN kinh doanh cà phê nhưng không phân biệt được cà phê tốt, cà phê chưa tốt vì vậy rất khó để bán được giá cao.

Chưa được hỗ trợ

Ông Thượng Đình Nho - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường 2 cho biết giá đường năm 2014 vào khoảng 11.300 đồng/kg, thấp hơn khoảng 4.000 đồng/kg so với năm 2013 và dự báo sẽ không tăng trong năm 2015 nên nhiều DN đường đang giảm sản lượng, dừng thu mua mía. Trong khi đó, việc XK đường sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch vẫn bị trở ngại do Bộ Công Thương điều hành chưa hợp lý. Nguyên nhân do Bộ chỉ cấp phép XK trong vòng 6 tháng, khi đến thời điểm gần hết hạn trong giấy phép XK thì đối tác ép giá, ngừng mua. Năm 2015, kiến nghị cho phép XK đường tại nhiều cửa khẩu khác ở biên giới phía Bắc và để DN tự cân đối chủng loại, sản lượng. Cũng theo ông Nho, hình thức NK đường theo cam kết WTO hàng năm đang bị lợi dụng vì giá đường trong nước cao hơn đường từ Thái Lan, Brazil… nên DN được cấp phép NK thu lợi rất cao. Giải pháp cho bất cập này là Bộ Công Thương cần tổ chức đấu giá công khai để các DN tham gia.

“Hiện nay, Thông tư 89/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định DN mua máy móc thiết bị được cho vay 2 năm không tính lãi, giảm 50% trong năm thứ 3 nhưng khi DN hỏi thì vẫn chưa có ngân hàng nào triển khai. Quyết định 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế mua điện sinh khối do nhà máy đường sản xuất bằng phế phẩm bã mía cũng chưa được các công ty điện lực thực hiện. Như vậy chính sách hỗ trợ là có nhưng chưa đến được DN”, ông Thượng Đình Nho phản ánh.

Ông Lê Tuấn - Giám đốc Công ty XNK Vĩnh Long cho rằng, 50% sản lượng gạo XK của Việt Nam năm 2014 là vào thị trường Trung Quốc và trong năm 2015 Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường chính. XK gạo sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam lượng gạo do DN phía Nam đưa ra Bắc năm 2014 khoảng 1,6 triệu tấn nhưng số liệu từ cơ quan Hải quan lượng XK chính ngạch sang Trung Quốc qua cảng Hải Phòng chỉ vào khoảng 600.000 tấn. Trong khi đó, thị trường châu Phi gần như mất hẳn trong 2 năm nay do bị gạo Thái Lan cạnh tranh dữ dội. Đồng thời, gạo Việt Nam XK vào châu Phi phải thông qua các tập đoàn đa quốc gia do không có ngân hàng để mở L/C, rủi ro gian lận thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần xúc tiến mở chi nhánh ở một số quốc gia châu Phi để tạo điều kiện cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường này. 

Nguồn: baohaiquan.vn

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam