(VINANET) – Tiếp tục đà suy giảm về kim ngạch từ tháng đầu năm 2015, sang tháng 2 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm giảm so với tháng 1, giảm 34,4% với 56,6 triệu USD, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 2/2015, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là 143,1 triệu USD, giảm 20,87% so với cùng kỳ năm trước.

New Zealand vẫn là thị trường chính cung cấp sữa và sản phẩm cho Việt Nam, chiếm 29,2% tổng kim ngạch, với 41,8 triệu USD, giảm 14,04%. Kế đến là thị trường Singapore giảm 12,88% tương đương 20,6 triệu USD và Hoa Kỳ giảm 52,75%, kim ngạch là 16,3 triệu USD. Như vậy, ba thị trường chính cung cấp sữa và sản phẩm cho Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng âm – đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm trong hai tháng đầu năm 2015.

Ngoài ba thị trường chính trên kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu sữa và sản phẩm từ các thị trường khác nữa như Đức, Thái Lan, Ailen, Pháp, Hà Lan…

Nhìn chung, trong hai tháng đầu năm nay, tốc độ nhập khẩu sữa và sản phẩm từ các thị trường đều tăng trưởng âm, số thị trường này chiếm tới 65%, trong đó nhập khẩu từ thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất, giảm 96,36%, kế đến là thị trường Bỉ giảm 71,25% và thứ ba là thị trường Hoa Kỳ giảm 52,75%.

Đáng chú ý, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường Nhật Bản, tuy kim ngạch chỉ đạt 779,9 nghìn USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 734,53% so với 2 tháng năm 2015.

Thống kê thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm 2 tháng 2015 – ĐVT: USD

 
2T/2015
2T/2014
% so sánh 2T/2015 so với 2T/2014
Tổng KNNK
143.143.750
180.894.231
-20,87

New Zealand

41.892.134
48.734.852
-14,04
Singapore
20.664.118
23.718.987
-12,88
Hoa Kỳ
16.387.634
34.683.891
-52,75
Thái Lan
13.532.394
11.028.220
22,71
Đức
7.639.426
7.647.395
-0,10
Ailen
5.813.554
8.442.262
-31,14
Oxtrâylia
5.612.488
4.210.814
33,29
Pháp
5.601.771
4.306.038
30,09
Hà Lan
5.434.000
11.212.254
-51,54
Malaixia
4.359.449
5.691.786
-23,41
Hàn Quốc
2.641.743
2.479.992
6,52
Ba Lan
2.327.976
1.120.299
107,80
Philippin
1.096.360
1.184.676
-7,45
Tây ban Nha
849.314
1.687.999
-49,69
Nhật Bản
779.928
93.457
734,53
Bỉ
764.421
2.658.805
-71,25
Đan Mạch
84.656
2.346.873
-96,39

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ từ TCHQ)

Vừa qua, ngày 18/3/2015, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Việt Nam cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ký kết thỏa thuận hỗ trợ phát triển đàn bò sữa của tỉnh. Cùng ngày, tại Cụm công nghiệp Kiện Khê (huyện Thanh Liêm, Hà Nam), Cty cũn làm lễ động thổ xây dựng Nhà máy sữa NutiFood Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc – đây là một trong những nỗ lực kỳ vọng cho ngành sữa Việt Nam tới đây không lệ thuộc vào sữa nhập khẩu.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam - cho biết, hiện toàn tỉnh có 1.347 con bò sữa, dự kiến sẽ tăng lên 8.000 con vào năm 2020. Để đàn bò phát triển và mang lại năng suất cao thì việc áp dụng kỹ thuật là một trong những yếu tố rất quan trọng, ngoài ra tìm được đầu tiêu thụ lâu dài cho sản phẩm cũng là yếu tố mà tỉnh đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, việc hợp tác với NutiFood để xây dựng nhà máy sữa trên địa bản không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm sữa nước, sữa bột mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Nhà máy sữa NutiFood Việt Nam được xây dựng trên diện tích 10ha với công suất chế biến 200 triệu lít sữa nước và 31.000 tấn sữa bột/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng, tập trung sản xuất các sản phẩm sữa (thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm sữa chuyên biệt phục vụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, một số bệnh lý như đái tháo đường... Trong chiến lược phát triển của Cty, NutiFood hy vọng trong một ngày không xa, không chỉ đáp ứng các sản phẩm dinh dưỡng có chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn mở rộng thị trường sang các nước láng giềng.

Là đơn vị góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tỉnh Hà Nam phát triển đàn bò sữa, đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ, chúng tôi cam kết hỗ trợ tỉnh Hà Nam trong việc phối hợp cùng Công ty NutiFood xây dựng trang trại mẫu để hỗ trợ các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tiếp cận và áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến về trồng cỏ, chăn nuôi, vắt sữa, tồn trữ, bảo quản, vận chuyển sữa nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân về kỹ thuật, quy trình khoa học trong việc chăn nuôi bò; hợp tác với các nông hộ trong việc nhập khẩu bò giống để có bò sữa chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất.

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood cam kết, phía công ty bảo đảm thu mua tất cả nguồn sữa bò nguyên liệu của các hộ một cách ổn định, lâu dài với giá cả phù hợp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Cty và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ hỗ trợ tỉnh Hà Nam phát triển đàn bò sữa với năng suất và chất lượng cao, tạo ra một vùng nguyên liệu sữa tươi mới của Việt Nam, tiến tới cùng với nhiều vùng nguyên liệu khác của cả nước, đáp ứng nhu cầu về sữa tươi cho mọi người dân, không còn lệ thuộc vào sữa nhập khẩu.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet, Báo An ninh thủ đô

Nguồn: Vinanet