(VINANET) –Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, 2 quý đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 246,1 triệu USD hàng rau quả, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước, tính riêng tháng 6/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 76,5 triệu USD mặt hàng này, tăng 54,3% so với tháng liền kề trước đó.
Việt Nam nhập khẩu rau quả từ các thị trường Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Chile, Nam Phi… Trong đó Thái Lan là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đạt cao nhất, chiếm 29,8% thị phần, tương đương với 73,4 triệu USD, tăng 34,58% so với 6 tháng 2013.
Tuy có vị trí địa lý thuận lợi về vận chuyển hàng hóa, nhưng Trung Quốc chỉ đứng thứ hai về kim ngạch, với 57,5 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tốc độ kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này giảm 3,37%.
Đối với thị trường Trung Quốc, thời gian vừa qua có hàng loạt nông sản nhập từ nước này bị phát hiện nhiễm độc.
Cụ thể, đầu tháng 6 vừa qua, gần 300 tấn rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu thụ hết, đứng đầu trong danh sách nhiễm độc là táo, cam và nho.
Trước sự việc này, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm soát chặt rau quả Trung Quốc, đây là thông điệp được ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm dịch chất lượng các loại nông sản thực vật nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định trong một cuộc họp mới đây với báo giới.
Cục Bảo vệ Thực vật dự kiến sẽ sửa đổi một số quy định trong Thông tư 13 về kiểm soát hàng hóa có nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Cụ thể là nếu doanh nghiệp nhập khẩu có các lô hàng rau, củ, quả… nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải niêm phong hàng tại kho cảng, bến bãi để chờ kết quả kiểm tra mới được thông quan hoặc tái xuất.
Việc này nhằm đảm bảo các lô hàng rau, củ, quả…nhiễm độc không có cơ hội bị tuồn vào thị trường trong nước bởi theo quy định hiện hành thì trong khi chờ kết quả kiểm dịch của cơ quan chức năng, doanh nghiệp vẫn được quyền thông quan, hàng hóa được đưa ra thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp sẽ phải chịu các chi phí về kho cảng, bến bãi và bảo quản…
Thậm chí, ngoài biện pháp niêm phong chờ kết quả kiểm tra, Cục Bảo vệ Thực vật cũng đang xem xét tới các hình thức kiểm soát chặt chẽ hơn là dừng nhập khẩu.
Nếu được xem xét áp dụng một cách hợp lý, hy vọng các biện pháp trên sẽ quản lý tốt hơn chất lượng các loại rau, củ, quả…nhập khẩu để người tiêu dùng yên tâm hơn với các bữa ăn hàng ngày.
Hiện tại, cơ quan kiểm dịch áp dụng tần suất lấy mẫu kiểm dịch với các lô hàng rau, củ, quả nhập khẩu là 10%. Nếu hàng bị phát hiện có vi phạm, các lô hàng của doanh nghiệp nhập sau đó sẽ bị kiểm tra tần suất 30% và nếu tiếp tục vi phạm thì phải tái xuất, đồng thời cơ quan chức năng sẽ thực hiện lệnh thu hồi và truy xuất những sản phẩm đã lưu thông vào thị trường nội địa.
Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa những chi phí và thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp nhập khẩu chịu nhưng lại gây khó khăn trong trường hợp phải truy xuất những loại rau, củ, quả vi phạm đã được đưa ra thị trường bởi thời gian tiêu thụ của nông sản là rất ngắn.
Ngoài hai thị trường chính kể trên Việt Nam còn nhập khẩu hàng rau quả từ các thị trường như Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Chile, Nam Phi, Malaixia…
Đáng chú ý, so với hai quý đầu năm 2013, thì hai quý đầu năm nay nhập khẩu hàng rau quả thiếu vắng các thị trường Indonesia và Mianma, ngược lại có thêm các thị trường Niuzilan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Israel với kim ngạch đạt lần lượt 4,8 triệu USD; 2,8 triệu USD; 1.8 triệu USD và 1,3 triệu USD.
Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu hàng rau quả 6 tháng 2014 – ĐVT: USD
|
KNNK 6T/2014
|
KNNK 6T/2013
|
% so sánh
|
Tổng KNNK
|
246.139.184
|
180.325.144
|
36,50
|
Thái Lan
|
73.476.756
|
54.595.095
|
34,58
|
Trung Quốc
|
57.514.506
|
59.523.394
|
-3,37
|
Hoa Kỳ
|
25.122.204
|
17.939.896
|
40,04
|
Ôxtrâylia
|
18.710.627
|
13.353.802
|
40,11
|
Chile
|
3.372.266
|
3.418.961
|
-1,37
|
Nam Phi
|
3.338.954
|
142.424.229
|
-97,66
|
Malaixia
|
1.825.675
|
1.342.306
|
36,01
|
Braxin
|
1.103.005
|
1.333.987
|
-17,32
|
Nguồn: Vinanet/Thị trường giá cả