Để nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng XK được xác định là “chiến lược”, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Báo cáo “Đánh giá tiềm năng XK” 2013 - 2017 nằm trong khuôn khổ dự án ODA không hoàn lại của của Chính phủ Thụy Sỹ nhằm đánh giá khả năng xuất khẩu của 5 ngành hàng chính của Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2017: nông thủy sản, dịch vụ (du lịch), thủ công mỹ nghệ và ngành công nghiệp (chế tạo - chế biến) tại 39 tỉnh trên cả nước. Các tiêu chí đánh giá của Báo cáo về các mặt hàng ở: Tình hình XK hiện tại; khả năng cung nội địa và nhu cầu thị trường thế giới.

 “Báo cáo đánh giá tiềm năng XK quốc gia” được Bộ Công Thương công bố ngày 30-7 cho thấy, tổng cộng trên 70 mặt hàng XK hiện tại và có tiềm năng XK của Việt Nam được phân loại thành 3 nhóm: Tiềm năng cao, tiềm năng trung bình và tiềm năng thấp. Trong đó riêng từng nhóm được phân loại dựa trên mức kim ngạch XK hàng năm gồm các mặt hàng XK quan trọng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, các mặt hàng XK trung bình và mặt hàng XK ít.

Theo cách phân loại này, nhóm hàng XK có tiềm năng cao với những mặt hàng XK quan trọng có kim ngạch XK hàng năm đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam tập trung phần lớn trong 4 nhóm ngành hàng chính là: nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, dịch vụ. Các mặt hàng XK có tiềm năng cao bao gồm: cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn thuộc nhóm ngành hàng nông nghiệp; hàng may mặc, giày vải thể thao, máy tính xách tay, máy in, điện thoại đi dộng, dây cáp điện, bảng mạch điện tử thuộc nhóm hàng công nghiệp; cá phi lê đông lạnh, tôm đông lạnh thuộc nhóm ngành hàng thủy sản; XK lao động và du lịch trong nhóm ngành dịch vụ.

Các mặt hàng XK có tiềm năng cao song mới XK ở mức trung bình có 9 mặt hàng thuộc các nhóm ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, có 3 mặt hàng có tiềm năng XK cao song mới đạt kim ngạch XK thấp (dưới 100 triệu USD/năm) như mật ong thuộc nhóm ngành nông nghiệp, cá phi lê thuộc nhóm thủy sản, tài chính kế toán thuộc nhóm dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng dự án Đánh giá tiềm năng XK Việt Nam cho biết, cách phân loại này sẽ góp phần hệ thống hóa được cơ cấu các mặt hàng XK cũng như đánh giá được tiềm năng và các yếu tố hạn chế trong việc XK các mặt hàng, từ đó giúp các DN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước có những biện pháp và chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy XK và khai thác tối ưu tiềm năng XK của các nhóm ngành hàng.  

Chưa thoát “xuất thô” 

Báo cáo cũng chỉ ra các vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả XK của Việt Nam. Đó là các mặt hàng XK vẫn có giá trị gia tăng thấp do chủ yếu vẫn là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, sản phẩm chưa đa dạng, thiếu thông tin thị trường, cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém, công nghệ lạc hậu, quy hoạch nuôi trồng, sản xuất mất cân đối, liên kết chuỗi còn yếu… Chất lượng sản phẩm XK thấp cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả hoạt động XK, đặc biệt thể hiện rất rõ trong nhóm ngành hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và dịch vụ.

Đối với nhóm ngành điện tử và da giày, lợi thế về chi phí nhân công không bền vững cũng là những tồn tại cơ bản khiến XK ngành này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong bối cảnh mức lương bình quân đang ngày càng gia tăng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các vùng miền thì những trở ngại về tuyển dụng lao động đang và sẽ tiếp tục là những vấn đề lớn mà các ngành hàng này phải đối mặt. 

Giải pháp xuyên suốt

Với những khó khăn trên, các chuyên gia thực hiện báo cáo đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm khắc phục các hạn chế để đẩy mạnh XK trong thời gian tới. Theo đó, xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết bài toán nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất, tạo ra liên kết ngành hiệu quả hơn. Đây là các vấn đề đã được đề cập nhiều tại các báo cáo ngành, thậm chí là các văn bản quy hoạch, chiến lược ngành của Chính phủ, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế chưa hiệu quả. Với những cơ hội tiềm năng mà các FTA Việt Nam đang đàm phán sẽ mang lại, phát triển công nghiệp phụ trợ lại nổi lên là cơ hội lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài đã rất nhanh nhạy nắm bắt.

Ông Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra các giải pháp về sự cần thiết xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành hàng trên một nền tảng chung nhất quán, cân nhắc khả năng chia sẻ tối đa để giảm thiểu những chi phí phát sinh không cần thiết. Theo ông Thành, hiện nay đã có khá nhiều cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, tuy nhiên, lại không mang tính hệ thống, không đầy đủ và có thể so sánh lẫn nhau theo tiêu chí lựa chọn làm tốn kém và hạn chế khả năng khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu.

Thêm vào đó, theo bà Hằng, cần xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hoá XK Việt Nam là rất cần thiết để khẳng định vị thế cạnh tranh bền vững thay cho việc bổ sung vào thành tích kim ngạch XK cao mà thực chất lợi ích để lại cho quốc gia rất hạn chế; tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ XK của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hiện nay, quy hoạch vùng nguyên liệu của các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp còn yếu. Do vậy, để tăng khả năng XK cho các mặt hàng cần quy hoạch lại các vùng nguyên liệu trên cơ sở cân đối cung cầu cũng như đảm bảo tiếp cận vùng nguyên liệu tốt hơn, khai thác bền vững hơn. Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương rà soát các quy hoạch về vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến theo hướng đảm bảo sự luân chuyển thuận lợi giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra, tiết kiệm thời gian, tài chính và đảm bảo hiệu quả toàn bộ khâu cung ứng từ giống, kỹ thuật, thu hoạch và vận chuyển. Công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chế biến các mặt hàng xuất khẩu và dịch vụ vận tải/logistics phải được chú trọng. Cụ thể, cần đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ, giao thông đường thủy, mạng lưới điện, viễn thông và hệ thống xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn: Hải quan Việt Nam