Sức yếu, bão lớn
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp trong năm 2008 đã cao gấp 1,8 lần GDP toàn ngành. Điều này cho thấy, nền nông nghiệp nước ta có độ mở rất rộng, vì thế những tác động của thị trường quốc tế có ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp tới đời sống và thu nhập của nông dân.
Thực tế cho thấy, cơn bão khủng hoảng tài chính bắt đầu tác động đến nông sản xuất khẩu của nước ta từ tháng 9/2008. Cùng với đó, hầu hết các nước đều được mùa khiến giá nông, lâm, thuỷ sản giảm nhanh và ở mức quá thấp, tác động sâu sắc đến nông nghiệp. Nếu tháng 7/2008, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục 1,75 tỷ USD thì đến tháng 11/2008, con số này ước còn 1,2 tỷ USD, giảm gần 32%.
Với mặt hàng thủy sản, theo thông lệ, nhu cầu trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh vào tháng 11, tháng 12 để chuẩn bị cho dịp Noel và Tết Dương lịch. Song, đến nay, số lượng đơn hàng nhập khẩu vẫn sụt giảm. Dự báo, sự ảm đạm của thị trường còn lan đến hết quý I/2009. Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chỉ tính riêng hai thị trường Hoa Kỳ và EU, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ vẫn tồn kho khoảng 30% số hàng nhập từ năm 2007. Một lượng lớn hàng hóa năm nay cũng đang ế ẩm, tồn đọng trong kho mà chưa xuất được.
Ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... là nguyên nhân chính khiến sức cầu sụt giảm mạnh. Rắc rối của hệ thống ngân hàng tại những thị trường lớn làm hạn chế khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam.
Trong khi đó, theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, hiện nay, nhiều quỹ đầu tư đồng loạt rút vốn ra khỏi hoạt động đầu tư nông sản dẫn tới sự giảm cầu trên các thị trường kỳ hạn, làm giá nông sản giảm đột ngột. Việc nhiều quốc gia tăng trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cũng khiến nông sản mất giá, điển hình như cà phê giảm 32%, cao su giảm 50%... Hệ quả là, việc làm và thu nhập của nông dân giảm theo.
Theo ông Sơn, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã liên tiếp 2 lần “cứu” nền kinh tế thoát khỏi bờ vực khủng hoảng. Năm 1989, công nghiệp tăng trưởng âm, nhưng nông nghiệp phát triển mạnh nên cứu được khủng hoảng. Đến năm 1999, công nghiệp – dịch vụ đều giảm, chỉ có nông nghiệp tăng trưởng tốt nên đã cứu được nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng.
Nhưng sang năm 2009, nông nghiệp, nông thôn rất đuối sức do những biến động vĩ mô và biến động của thời tiết nên cần có biện pháp ứng cứu quyết liệt. Nếu nông nghiệp không được vực lên thì sẽ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng và an sinh xã hội. Một số lượng lớn người nghèo bị ảnh hưởng mạnh trong khi số hộ cận nghèo rơi xuống nghèo sẽ có khả năng tăng cao. Trong khi đó, lao động ở các KCN, thành thị mất việc sẽ đổ dồn về nông thôn, càng gây sức ép khó khăn cho khu vực này.
Ứng phó
Để ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra 4 giải pháp chính để ứng phó với khủng hoảng. Đó là: Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, ngành hàng nào có triển vọng xuất khẩu cao thì tăng sản lượng; áp dụng các biện pháp để giảm giá thành, tăng chất lượng nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tìm biện pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp làng nghề, nông dân; Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường công tác dự báo, thống kê thị trường.
Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết: "Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, chúng tôi đang thực hiện một số giải pháp như: Giảm diện tích khai thác và sản lượng cao su xuất khẩu; hạn chế các chi phí đầu vào, chờ ngân hàng hạ lãi suất mới tiếp tục vay; tranh thủ thay giống cây mới, bán gỗ cao su…"
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương đề nghị Chính phủ nên có nguồn vốn để giải cứu cuộc khủng hoảng nông nghiệp trong thời gian tới, đối tượng tập trung là các doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng nông dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận do ngân hàng đòi phải trả hết nợ cũ vay với lãi suất cao thì mới cho vay với lãi suất thấp như hiện nay.
Thế nhưng, do nông dân và doanh nghiệp đều tồn đọng hàng nên rất khó có vốn để trả. Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng áp dụng biện pháp khoanh nợ đối với những khoản vay chịu lãi suất cao và cho vay mới với lãi suất hiện nay, có như vậy mới tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Chính phủ cũng nên duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống và xúc tiến nhiều hơn thị trường mới như Ai Cập, Nam Mỹ, Brazil...
Vụ Kế hoạch còn đưa ra 3 kịch bản về khủng hoảng tài chính toàn cầu: Khủng hoảng có thể kéo dài tới giữa năm 2009 và phục hồi ngay trong năm; Kéo dài hết năm 2009 và phục hồi trong năm 2010; và khủng hoảng tiếp tục lún sâu hơn nữa.
Tuy nhiên, cả 3 kịch bản này đều dẫn tới hệ quả: xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm tương tự 15,3 tỷ USD; 13 tỷ USD, 10,8 tỷ USD. Điều này sẽ tác động rất lớn tới đời sống và thu nhập của nông dân. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát so sánh: “Nếu xuất khẩu dệt may được 100 đồng thì Việt Nam chỉ được 30 đồng nhưng với 100 đồng xuất khẩu nông sản sẽ thu về 70 đồng. Giảm 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản tương đương với giảm 3 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng khác”./.

Nguồn: Internet