Qua nửa chặng đường thực hiện kế hoạch năm 2014, hoạt động sản xuất và xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng, chỉ số tiêu thụ nhiều mặt hàng tăng và tồn kho giảm.

Tiêu thụ tăng, tồn kho giảm

Thông tin từ Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là ngành dệt tăng 21,3%, da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,2%, sản xuất xe có động cơ tăng 22,9%.

Chỉ số tiêu thụ của nhiều mặt hàng đã tăng cao, tồn kho giảm đáng kể. Đơn cử, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2014 đã có chỉ số tiêu thụ tăng tới 9%, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,0%. Trong đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 62,2%, da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,4%, thiết bị điện tăng 16,5%. Tính đến ngày 1/6, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Bộ Công Thương đánh giá: Cầu sản phẩm công nghiệp có xu hướng tăng trở lại, thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định và giảm tồn kho. Đặc biệt, chỉ số tồn kho sản phẩm đã ở mức bình thường, đây là tín hiệu khả quan cho sự phục hồi và phát triển của toàn ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 6 tháng qua tăng 10,73% so với cùng kỳ, cung - cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Trong quý III và IV, sức mua của thị trường trong nước sẽ tăng cao hơn quý I và II. Dự báo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2014 tăng khoảng 12% so với năm 2013.

Đồng bộ các giải pháp tăng sản xuất, xuất khẩu

Với 13 nhóm hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1 tỷ USD, hoạt động XK 6 tháng đầu năm vẫn giữ vai trò then chốt trong việc ổn định và tăng trưởng kinh tế. 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch XK ước đạt khoảng 70,88 tỷ USD, tăng khoảng 14,9% so với năm 2013, tương đương với 9,19 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 69,561 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2013, tương đương với 6,885 tỷ USD; ước xuất siêu khoảng 1,32 tỷ USD.

Điểm sáng XK của những tháng đầu năm chính là nỗ lực đẩy mạnh kim ngạch XK của các doanh nghiệp trong nước (tăng 11,5%) và XK đã tăng trên hầu hết các thị trường (mức tăng từ 10,4% đến 30,8%). Kim ngạch của nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,922 tỷ USD, chiếm 71,84% trong tổng kim ngạch XK, tăng 15,8% so với năm 2013. Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô XK lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định: Sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng nhưng không cao. Ước cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 6% - 6,5%. Dự báo, kim ngạch XK cả năm 2014 ở mức 146 tỷ USD, tăng 10,6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 145,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2013; xuất siêu khoảng 500 triệu USD. Để hoàn thành các mục tiêu của năm 2014, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và XK, Bộ sẽ điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường; khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Rà soát lại diện hàng hóa XK để phát triển thêm các mặt hàng mới nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh XK. Phát triển các thị trường XK mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh; tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo cam kết quốc tế.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet