Hàng còn nhiều, giá không đổi
Trước nguy cơ ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự “tấn công” ồ ạt của các dòng thịt gia súc, gia cầm nhập từ Brazil, Mỹ…, vừa qua Bộ Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu thịt và các chế phẩm thịt gia súc, gia cầm lên khá cao (17% đối với thịt trâu, 17% với bò đông lạnh, 27% với thịt heo, 40% với các loại thịt gia cầm nhập khẩu như gà, vịt, ngỗng…).
Với quyết định trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực và người tiêu dùng tỏ ra lo ngại vì sợ giá các mặt hàng thịt tươi sống sẽ tăng lên. Tuy nhiên sau hơn 2 tuần biểu thuế trên chính thức có hiệu lực (từ ngày 12-10), giá hầu hết các loại thịt gia súc và gia cầm bán sỉ và lẻ tại các chợ và siêu thị… đều ổn định.
Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn-TPHCM, trong ngày 27-10, giá thịt lợn bán buôn loại 1 vẫn ổn định 38.000 - 46.000 đ/kg, bằng tuần trước. Cùng ngày, giá heo hơi được thương lái mua tại các trang trại cũng đứng ở mức 35.000 đồng/kg, bằng với mức giá đầu tháng.
Bên cạnh đó, tại các chợ lẻ như Tân Định (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận), chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh)…,  giá các sản phẩm gà làm sẵn cũng vẫn đứng ở mức 38.000 đồng/kg đối với đùi gà gốc tư, 50.000 đồng/kg đối với đùi tỏi, 48.000 đồng/kg đối với cánh…
Nguyên nhân giá không tăng do hiện nay lượng thịt nhập khẩu về trước đây còn tồn đọng khá nhiều, đồng thời các doanh nghiệp trong nước như Vissan, Huỳnh Gia Huynh Đệ… cũng đang tích cực thực hiện chủ trương của UBND TPHCM trong việc kiềm chế giá.
Bên cạnh đó, lượng gà trong nước hiện cũng khá dồi dào, đàn gia súc, gia cầm mới cũng tăng lên rất nhiều dù trước đó đã có rất nhiều hộ “treo” chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao và áp lực từ lượng thịt nhập khẩu tràn về.
Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết từ nay đến hết tháng 10 sẽ giữ nguyên giá bán trên toàn hệ thống cho dù thị trường có xảy ra biến động gì chăng nữa về cung cầu. Song song đó, mặc dù so với tháng 9 và 10, sức tiêu thụ hiện tại các cửa hàng bán lẻ của Công ty TNHH Thương mại-chế biến thực phẩm Phú An Sinh cũng tăng từ 10 - 20% nhưng giá các sản phẩm bán buôn và bán lẻ tại công ty này vẫn không đổi, với giá bán buôn: gà lông 28.000 đồng/kg, gà làm sẵn 42.000 -45.000 đồng/kg; giá lẻ đều ở mức 50.000 đồng/kg.
Giá sẽ không tăng trong cuối năm?
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - chế biến thực phẩm Phú An Sinh, sau khi thuế nhập khẩu mới có hiệu lực, thị trường nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm hiện nay gần như bị tê liệt. Trong khi đó, từ 30 - 40% số chuồng trại trong nước bị  “treo” do giá thức ăn chăn nuôi tăng đã bắt đầu “ấm” trở lại; số đàn gia cầm đang có chiều hướng tăng lên, nhất là của các doanh nghiệp lớn.
Chính vì thế, giá gà công nghiệp từ đây đến cuối năm khó có cơ hội tăng đột biến. Tuy nhiên, do mùa cưới đang rộ và các tiệc chiêu đãi cuối năm đang tăng cao nên nhu cầu tiêu thụ gà ta, gà tam hoàng có xu hướng tăng mạnh.

Mặc dù vậy, để phát triển đàn gà tam hoàng, gà ta thả vườn không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được vì đòi hỏi mặt bằng rộng, chuồng trại quy mô. Vì thế, rất có khả năng giá gà ta thả vườn và gà tam hoàng trong thời gian tới sẽ tăng nhưng mức tăng có thể kiểm soát được vì hiện giá thức ăn gia súc đang hạ dần. 
Hiện nay, hầu hết các hệ thống phân phối lớn trong nước như Co.opMart, BigC, MarxiMark, FiviMart, CitiMart… đều tuyên bố ủng hộ ngành chăn nuôi trong nước bằng cách dành những gian hàng đẹp nhất cho các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tươi trong nước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gia cầm, các trang trại heo lớn ở Đồng Nai, Phú Trọng–Bảo Lộc (Lâm Đồng) hiện đang rất lo lắng trước nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh trong mùa đông tới nên phần lớn đều do dự và không dám đầu tư mạnh.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia chăn nuôi, với mức giá heo hơi khá thấp hiện nay (32.000-34.000 đồng/kg) thì người chăn nuôi đang lỗ nặng. Do vậy, phần lớn hộ chăn nuôi đều thu hẹp hoạt động hoặc nuôi cầm chừng và khả năng thiếu thịt heo vào dịp tết năm nay là có thể xảy ra.
 
 

Nguồn: Internet