(VINANET) - Sữa là một trong những mặt hàng có trong văn bản mà Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các địa phương chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, giám sát đối với những lô hàng thực phẩm nhưng vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong đó, lưu ý kiểm tra kỹ xuất xứ hàng hóa, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng hàng hóa, tem, nhãn mác... Đối với những lô hàng không có giấy phép, kiên quyết dừng thông quan, không cho xuất khẩu, nhập khẩu. Đối với những lô hàng có thông tin, dấu hiệu nghi vấn cần tổ chức kiểm tra thực tế hàng hóa để xử lý sai phạm nếu có.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các vụ, cục chuyên môn tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh vận chuyển trái phép các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng như sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hoa quả, rượu bia...

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, 11 tháng năm 2014 Việt Nam đã chi trên 1 tỷ USD dể nhập khẩu sữa và sản phẩm, tăng 1,41% so với cùng kỳ năm 2013.

Việt Nam nhập khẩu sữa từ các thị trường như Niudilân, Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan, Hà Lan… trong đó Niudilân tiếp tục là thị trường chính cung cấp mặt hàng sữa cho Việt Nam từ đầu năm cho đến nay, chiếm 24% tổng kim ngạch, đạt 242,2 triệu USD, tăng 0,49%; kế đến là thị trường Hoa Kỳ, đạt 214,9 triệu USD, tăng 18,31%.

Đáng chú ý, về cơ cấu thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm, trong 11 tháng 2014 có thêm thị trường Singapore với kim ngạch dạt 95,5 triệu USD – đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng kim ngạch.

Nhìn chung, trong thời gian này, nhập khẩu sữa từ các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng âm về kim ngạch , số thị trường này chiếm trên 53% và nhập khẩu từ thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất, giảm 79,80%.

Cơ cấu thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm 11 tháng 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam)

Được biết, năm 2015, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp quy định giá tối đa với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ Tài chính cho biết tính đến 5-12, Bộ và các địa phương đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi. Từ tháng 6-2014, giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi đã giảm so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Trong năm 2015, Bộ Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; thường xuyên kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu, giá nhập khẩu thành phẩm sữa của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa để kịp thời có biện pháp quản lý, điều tiết, bình ổn giá phù hợp.

Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ xem xét giá nhập khẩu mặt hàng sản phẩm sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi so với bằng giá sản phẩm cùng loại tại nước xuất khẩu và các nước trong khu vực. Việc này để kiểm soát tình trạng tăng giá nhập khẩu đầu vào làm tăng giá bán trong nước của các doanh nghiệp phân phối sữa.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/SGGP

Nguồn: Vinanet