Những ngày cuối tháng 4, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - một trong những điểm xuất lớn nhất hàng đông lạnh từ VN. Tại các cảng Quang Phát, Kalong, Lục Lầm... container đông lạnh đang nằm tập kết ngay tại bến vẫn chưa được xuất đi, nhiều container đã bốc xếp lên rồi nhưng tàu vẫn chưa biết khi nào sẽ rời bến.
Tại cảng Đình Vũ - Hải Phòng, “hàng núi” container hàng đông lạnh gồm nội tạng trâu bò, dạ dày lợn, thịt bò, chân - đùi gà... do doanh nghiệp VN nhập về nằm chồng san sát nhau. Các máy phát điện phải hoạt động liên tục để làm lạnh.
Cảng Chùa Vẽ càng bi đát hơn vì đây là một trong những cảng lớn nhất ở TP Hải Phòng. Hiện gần 1.000 container hàng thực phẩm đông lạnh đang nằm chết dí tại đây. Nếu như trước đây, mỗi ngày có cả trăm container được thông quan thì nay con số ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, có ngày không giải quyết được một container nào. Khách hàng cứ gọi điện đến xin hoãn nhận. Trong khi có doanh nghiệp khác lại tiếp tục xin cho nhập về VN.
Ngày 5/5, cảng Chùa Vẽ không tiếp nhận hàng thực phẩm đông lạnh từ nước ngoài về nữa. Nếu nguồn điện không cung cấp đủ hoặc xảy ra sự cố, cảng sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Cảng Nam Hải cũng trong tình trạng quá tải. Vì chỉ có 3 máy phát điện nên cảng phải thuê thêm 6 máy phát nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về điện. Thông thường hàng tạm nhập tái xuất, ở VN khoảng 3 ngày là được tái xuất nhưng bây giờ có container “lạnh” nằm 1 tháng nay vẫn chưa đi. Trong khi đó, với sức chứa chỉ 200 container nhưng cảng Nam Hải đang phải gồng mình cho hơn 400 container.
Còn ở cảng Green Port, hàng trăm container hàng lạnh cũng đang cùng chung số phận. Ước tính tại các cảng ở TP Hải Phòng hiện có gần 3.000 container nội tạng, chân gà, cánh gà... đông lạnh đang ứ đọng.
Theo tìm hiểu, số hàng trên có xuất xứ từ nhiều nước như Brazil, Úc, Mỹ, Ấn Độ... và doanh nghiệp VN chỉ làm nhiệm vụ tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên thế giới đang phát triển, việc kiểm dịch được siết chặt hơn nên việc tái xuất đang bị bế tắc. Bởi thế, nếu chẳng may xảy ra trường hợp chủ hàng (phía nước ngoài) “bỏ của chạy lấy người” thì rủi ro rất lớn sẽ tồn đọng ngay tại các cảng: thực phẩm không kiểm soát được chất lượng; hàng đông lạnh “quá đát”; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Các lô hàng hầu hết nằm tại cảng từ hơn 1 tháng nay, chưa kể chúng đã từng lênh đênh trên biển cả tháng trời trước khi đến VN.
Trong khi đó còn có một thực tế đáng lo ngại khác vì từ năm 2008, thịt “ngoại” đã ồ ạt tràn vào VN do Bộ Tài chính mở cửa sớm so với lộ trình cam kết cắt giảm thuế của WTO. Và trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Bộ Tài chính tăng thuế suất nhập khẩu thịt ngoại trở lại với mức thêm 2%. Tuy nhiên, lượng thịt ngoại vẫn tiếp tục được nhập mạnh khiến ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, những bất cập, sơ hở xung quanh việc quản lý thịt nhập khẩu vẫn chưa được khắc phục triệt để. Có doanh nghiệp nhập khẩu hàng tấn thực phẩm đông lạnh về VN, theo quy định phải chờ đến khi có giấy chứng nhận kiểm dịch thì mới được bán lô hàng này ra thị trường. Nhưng khi giấy chứng nhận còn chưa đến tay doanh nghiệp, thực phẩm đã được bán đến tay người tiêu dùng. 
Chi cục Thú y TPHCM cho biết trung bình mỗi ngày TP tiêu thụ khoảng 800 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, trong 2 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã phát hiện trên 10 tấn thịt không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM cảnh báo: “Hiện nay, cần chú ý tình trạng thịt đông lạnh nước ngoài sắp hết hạn, bán giảm giá, được doanh nghiệp VN ham rẻ nhập về, rã đông, đóng lại bao bì với thời hạn khác. Dù chưa phát hiện trường hợp nào, nhưng vừa qua đã xảy ra trường hợp lô hàng trên thùng không ghi ngày tháng sử dụng, chỉ có văn bản rời xác nhận”.
 

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày