Những năm đầu thế kỷ 21, ngành sản xuất đá ốp lát của tỉnh Thanh Hoá đã trở thành ngành kinh tế quan trọng. Toàn tỉnh hiện có gần 200 cơ sở khai thác, chế biến đá ốp lát trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố, thu hút gần 1 vạn lao động, đạt sản lượng 4 triệu m2/năm với doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng và hàng chục triệu USD.
 Là tỉnh nằm ở phía bắc miền Trung nên Thanh Hóa  có nhiều tiềm năng về khoáng sản, trước hết phải kể đến các loại đá. Hầu như rải rác khắp trong tỉnh, địa phương nào cũng có đá. Nhưng Thanh Hóa tự hào là một trong những tỉnh có trữ lượng các loại đá quý  vừa xuất khẩu vừa phục vụ xây dựng rất lớn; trong đó đá Granít có trữ lượng và chất lượng xếp “tốp đầu” trong cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa có hàng trăm điểm mỏ khai thác đá phục vụ nhu cầu xây dựng, làm đường giao thông, sản xuất đá ốp lát xuất khẩu và chế tác đá mỹ nghệ. Mỗi năm toàn tỉnh khai thác khoảng 1,2 triệu m3 đá xây dựng và 2 triệu m2 đá ốp lát xuất khẩu. Trong năm 2007 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 75 giấy phép khai thác tài nguyên cho các đơn vị trong tỉnh, chủ yếu là khai thác đá, song việc khai thác tài nguyên đá tại Thanh Hóa còn rất lãng phí. Các giấy phép cấp cho việc khai thác đá, nhưng nhiều doanh nghiệp chủ yếu khai thác  đá khối để sản xuất đá xẻ. Lượng đá khối đưa vào sản xuất đá xẻ chỉ chiếm 30%, còn 70% lượng đá không đủ tiêu chuẩn chưa được sử dụng. Cũng có doanh nghiệp sử dụng vào xay, nghiền phục vụ cho xây dựng và làm đường giao thông. Nhưng nhiều điểm mỏ khai thác đã gạt bỏ thành đất đá phế thải, gây lãng phí rất lớn.
 Ngày nay, nghề sản xuất đá ốp lát Thanh Hoá đã đi vào chiều sâu với công nghệ khai thác, chế biến tương đối đồng bộ chiếm thị phần lớn trong nước và từng bước vươn ra xuất khẩu trực tiếp. Toàn tỉnh hiện có gần 200 cơ sở khai thác, chế biến đá ốp lát trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố, thu hút gần 1 vạn lao động, đạt sản lượng 4 triệu m2/năm với doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng và hàng chục triệu USD. Trong 3 năm gần đây, sản lượng các mặt hàng đá ốp lát xuất khẩu của tỉnh tăng khá nhanh. Nếu như năm 2000, sản lượng mới đạt 126.000 m2 thì đến năm 2005  sản lượng đã đạt trên 1,3 triệu m2 (tăng hơn 10 lần). Mặc dù sản lượng đá xuất khẩu tăng nhanh, song hiệu quả mang về lại chưa tương xứng.
Tìm hiểu xung quanh việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, được biết: Trước năm 2002, bình quân mỗi m2 đá ốp lát loại tốt xuất khẩu được 11 USD, đến năm 2004 chỉ còn 6 - 7 USD và hiện nay chỉ còn 5 - 6 USD.  Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu từ nguồn đá ốp lát của tỉnh  mới đạt 20 triệu USD.  Năm 2007, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nặng và xuất khẩu mới đạt 25,640 triệu USD, bằng 61% kế hoạch. Trong nhóm hàng này, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là đá ốp lát mới đạt 22 triệu USD.
 Để ngành sản xuất đá ốp lát phát triển ổn định, đạt sản lượng từ 8-10 triệu m2/năm với giá trị xuất khẩu đạt từ 35 đến 50 triệu USD, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển, tạo cơ chế thông thoáng trong quản lý với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành có chức năng, chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời phát huy vai trò của Hiệp hội Đá ốp lát Thanh Hóa nhằm liên kết các doanh nghiệp thành viên thành lực lượng mạnh, đủ điều kiện đứng vững trên thị trường. Cần xây dựng các tập đoàn chuyên sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ có đủ năng lực làm hạt nhân thu hút các cơ sở làm thành viên, tạo thuận lợi trong đầu tư và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ngành sản xuất đá ốp lát cần thúc đẩy sản xuất bằng đầu tư các thiết bị tiên tiến trong khai thác và chế biến; đầu tư đào tạo nguồn thợ kỹ thuật, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Để ngành sản xuất này chiếm lĩnh thị phần trong nước và xuất khẩu, các đơn vị sản xuất cần có kế hoạch phát triển thị trường bằng nhiều hình thức như thông qua Trung tâm Xúc tiến thương mại Thanh Hóa hoặc Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa để nắm bắt và điều chỉnh chiến lược tiếp thị và kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn: Vinanet