Mặc dù thị trường xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, có nhiều thay đổi nhưng với công tác điều hành xuất khẩu linh hoạt của Chính phủ, cùng sự nỗ lực của nông dân, DN, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các địa phương, xuất khẩu gạo vẫn đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, các DN, địa phương cần đề phòng trước những trở ngại có thể diễn ra gây ảnh hưởng đến thành quả xuất khẩu gạo của Việt Nam trong cả năm 2012.

Thành quả 6 tháng đầu năm.

VFA cho biết, trong 6 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu gạo diễn biến phức tạp, có nhiều bất lợi. Indonesia là thị trường tập trung lớn của Việt Nam vẫn chưa có nhu cầu nhập, thị trường Malaysia không thay đổi nhiều, Philippines nhập khẩu chậm,tại thị trường châu Phi xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ, Cuba chỉ thực hiện hợp đồng Chính phủ, không hợp đồng thương mại… Nhưng, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,414 triệu tấn, vượt kế hoạch 3 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ 2011 khoảng 500 ngàn tấn, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. 6 tháng đầu năm DN đã ký được 1,2 triệu tấn sang Trung Quốc.

Có thể nói công tác điều hành xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đã được thực hiện một cách linh hoạt, thích ứng kịp thời với tình hình thực tế nên đã giúp DN và người nông dân vượt qua được những khó khăn trong quý I, tăng tốc trong quý II, tạo điều kiện tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa vụ Đông Xuân, hoàn thành vượt mức và trước thời hạn kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân 2011-2012.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, các nước xuất khẩu gạo tăng cạnh tranh ở các thị trường, cơ chế XNK gạo nhiều nước thay đổi, giá xăng dầu biến động… nhưng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,414 triệu tấn là thành tích lớn của DN, nông dân, các địa phương, VFA và công tác điều hành của Chính phủ. Kết quả trên cũng cho thấy, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đã không đến nổi bi đát, sản lượng vẫn xuất đạt số lượng cao, dù giá trị xuất thấp do gía thị trường chung thế giới giảm, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều nước khác. Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm công tác điều hành xuất khẩu gạo đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng là tiêu thụ hết hàng hóa trong dân, giá mua gạo có lãi cho nông dân và DN, góp phần bình ổn giá gạo trong nước…

 

Khó khăn đang chờ trước mắt

VFA nhận định, tình hình thị trường gạo trong 6 tháng tới tiếp tục sẽ không ổn định, dự báo có nhiều biến động chưa lường trước. Hiện Ấn Độ có mức tồn kho dự trữ kỷ lục, khoảng 33 triệu tấn, dự kiến vụ mùa tới còn bội thu, nên họ sẽ tích cực xuất khẩu không hạn chế để giảm tồn kho, nhất là loại gạo phẩm chất thấp. Thái Lan cũng đang giữ lượng tồn kho rất lớn đến 12 triệu tấn thông qua Chương trình hỗ trợ giá lúa cho nông dân và bất cứ động thái nào giải quyết lượng tồn kho này của Thái Lan cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo thế giới, đặc biệt là loại gạo cấp cao. Trong khi đó vẫn chưa có tín hiệu nhập gạo từ Indonesia, Philippines và châu Phi dự kiến cũng sẽ giảm lượng nhập gạo. Chỉ có tín hiệu khả quan là sức tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, yếu tố chung chi phối thị trường gạo trong thời gian tới là nhu cầu giảm trong khi nguồn cung dồi dào, tồn kho lớn. Ông Phan Văn Chinh cũng cho biết, 6 tháng cuối năm giá thành trong sản xuất lúa gạo sẽ tăng, nhưng giá xuất khẩu sẽ không tăng vì thị trường tiêu thụ chậm.

Để ứng phó với tình hình chưa lường trước trên, tại buổi “Sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2012 - kế hoạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2012 và tình hình tiêu thụ lúa hè thu” do VFA tổ chức mới đây tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã đưa ra nhiều gợi ý ứng phó.

Theo đó, VFA nên xem lại cơ cấu các hợp đồng thương mại và tập trung. Mặc dù 6 tháng đầu năm lượng hợp đồng thương mại chiếm 81,31% là điều đáng mừng nhờ nỗ lực của DN. Tuy nhiên nên cẩn trọng trong các loại hợp đồng thương mại để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, không chấp nhận các điều khoản giao nhận dễ dãi, nhất là việc chấp nhận pha trộn giảm chất lượng các loại gạo cao cấp theo yêu cầu khách hàng. Ngành xuất khẩu gạo nên tiếp tục khai thác các hợp đồng tập trung, cả ở các thị trường có hạn ngạch, vì nhiều nước nhập khẩu gạo vẫn còn hạn ngạch nhập gạo, nhất là gạo cấp cao ở thị trường Đài Loan, Hong Kong …

Giám đốc Công ty XNK An Giang Nguyễn Văn Tiến cho biết, hai thị trường khó tính với nhiều tiêu chí nghiêm về gạo cao cấp là Hàn Quốc, Nhật cũng đã có tín hiệu sẽ nhập gạo cao cấp Việt Nam thời gian tới.

Về chủng loại và chất lượng gạo hàng hóa, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, 6 tháng đầu năm, lượng gao cấp cao xuất khẩu chiếm gần 50% cơ cấu xuất khẩu (tăng 52,66% so cùng kỳ 2011) là tín hiệu vui. Nhưng VFA nên xem lại tín hiệu này, vì có thể sẽ phải đối mặt với áp lực tung gạo cấp cao của Thái Lan. Không riêng gì gạo cao cấp mà cả chủng loại gạo thường, cấp thấp cũng sẽ bị canh tranh bởi các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Myanmar. Vì thế VFA nên cùng Bộ NN-PTNT và các địa phương xem xét lại chất lượng, sản lượng các chủng loại gạo để thích ứng với nhu cầu thị trường. Riêng với thị trường tiềm năng Trung Quốc, VFA nên phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp tại Trung Quốc, làm thế nào để Trung tâm hỗ trợ hiệu quả cho DN, hạn chế việc cạnh tranh nhau.

Trong điều hành, mở rộng thị trường, Bộ Công thương đang có nhiều nỗ lực để tăng thêm các thị trường xuất khẩu gạo cho DN. Hiện Bộ đang đàm phán với phía Trung Quốc để ký biên bản ghi nhớ liên quan đến việc XNK hàng nông sản. Vụ Xúât nhập khẩu - Bộ Công thương cũng đang tham khảo, nghiên cứu tình hình lúa gạo các nước để thông báo kịp thời cho VFA và đưa ra các phương án ứng phó.

Theo VFA, dự kiến 6 tháng cuối năm lượng gạo xuất khẩu có thể đạt 4.888.000 tấn, cả năm sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn và tồn kho sang đầu năm 2013 là 1,3 triệu tấn.

 

Nguồn: Tin tham khảo