Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang đứng trước những “rào cản” mới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần mở thị trường xuất khẩu mới.

Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu gỗ của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu gỗ vào thị trường Trung Quốc tăng 35,3%, vào thị trường Mỹ tăng 32,3% và vào thị trường Nhật Bản tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm là hiện nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam chủ yếu vào 2 thị trường chính là Hoa Kỳ và EU. Nhưng 2 thị trường này đã đặt ra những điều khoản khắt khe mới.

Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho mặt hàng gỗ của Việt Nam từ ngày 1-10-2010 và Quy chế mới của EU về tính hợp pháp của gỗ có hiệu lực vào tháng 3-2013. Điều này sẽ gây khó khăn cho cả 2 nguồn nguyên liệu. Theo đó, gỗ nội địa không đủ chứng chỉ quản lý rừng của Hội đồng Rừng quốc tế. Còn gỗ nhập khẩu không dễ kiểm soát được nguồn gốc, nên khi xuất khẩu, sản phẩm dễ gặp phải rào cản.

Bên cạnh đó, việc giảm đơn đặt hàng đồ gỗ của Việt Nam từ khách hàng châu Âu trong thời gian gần đây có thể còn có nguyên nhân cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã có mặt bằng mới hợp sức với giá điện, xăng dầu, cước phí vận tải... cũng tăng sẽ khiến tăng giá thành sản phẩm. Tính đến tháng 4-2012, chi phí bình quân cho 1 container 40 feet tăng trên 50 % so với năm 2011.

Đây chính là những khó khăn xuất phát từ các thị trường truyền thống cần có hướng khác phục.

Trong khi những thị trường truyền thống đang có vẻ co lại thì thị trường châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Trung Đông lại rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Đây là hướng mở cần khai thác.

Theo Bộ NN&PTNT, để đạt mục tiêu xuất khẩu 4,6 tỷ USD trong năm nay, các nhà xuất khẩu gỗ của nước ta phải tìm kiếm thêm các thị trường mới tại châu Á- Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, nơi nhu cầu về sản phẩm còn dồi dào.

 (CP)

Nguồn: Tin tham khảo