Doanh nghiệp nước ngoài muốn đặt tại Algeria có thể chọn 01 trong 03 hình thức sau:
- Văn phòng đại diện: Đó là mở một văn phòng liên lạc với thủ tục cấp phép ngày càng chặt chẽ nhằm tránh việc lạm dụng để thực hiện hoạt động kinh doanh vốn bị cấm đối với loại hình này.
- Hiện diện tạm thời: Xuất phát từ một hợp đồng hoặc một giao kèo theo đó, doanh nghiệp được giữ lại để thực hiện bằng tên riêng hoặc trong khuôn khổ một tập đoàn.
- Hiện diện thường xuyên: Thông qua việc thành lập một công ty thương mại hoặc một tập đoàn có vốn góp.
Các hình thức hiện diện khác như “chi nhánh“ và “nhượng quyền“ cũng có thể xem xét trong những điều kiện đặc biệt theo quy định.
1/ Văn phòng liên lạc
Các công ty nước ngoài muốn đặt tại địa phương một cách tạm thời hoặc để tiếp cận thị trường lần đầu tiên có thể mở văn phòng liên lạc tại Algeria.
Theo Nghị định của Bộ Thương mại ban hành ngày 9/11/2015, cần phải có giấy phép chấp thuận của Bộ này mới được mở văn phòng liên lạc phi thương mại. Các đơn vị của Bộ Thương mại rất chú ý đến tư cách của người xin mở văn phòng liên lạc để bảo đảm rằng đây không phải là đại lý, cũng như chi nhánh hay đại diện thương mại của công ty. Các đơn vị này thực hiện việc kiểm tra tại chỗ để bảo đảm văn phòng liên lạc không được thực hiện hoạt động thương mại và phải phù hợp với luật pháp, quy định sở tại, nhất là về luật xã hội.
Giấy phép chấp thuận văn phòng liên lạc
Giấy này do Tổng vụ điều tiết và tổ chức các hoạt động thuộc Bộ Thương mại cấp với thời hạn 02 năm có thể gia hạn nhưng phụ thuộc vào nhiều điều kiện:
- Người phụ trách văn phòng liên lạc phải đặt cọc tổng số tiền 30.000 USD cho Bộ Thương mại thông qua một tài khoản mở tại ngân hàng của Algeria, tài khoản này bị “phong tỏa“ trong suốt thời gian giấy phép có hiệu lực. Trường hợp ngừng hoạt động hoặc rút giấy phép của văn phòng liên lạc, việc giải phóng và chuyển số tiền này về nước chỉ được phép thực hiện khi xuất trình một giấy biên nhận do người thu thuế có thẩm quyền cấp và lệnh giải ngân do Bộ Thương mại phát hành.
- Mở tài khoản “CEDAC“(tài khoản bằng đồng tiền đina Algeria có khả năng chuyển đổi) tại cùng ngân hàng và nộp số tiền bằng ngoại tệ ít nhất là 5000 USD vào tài khoản.
- Chứng minh việc thanh toán thuế đăng ký với giá trị đối ứng bằng ngoại tệ chuyển đổi tương đương 1500000 Dina Algeria (DZA) (1 USD tương đương khoảng 135 DZA).
- Chứng minh địa chỉ văn phòng thông qua hợp đồng thuê nhà với thời hạn tối thiểu bằng thời hạn trong giấy phép hoạt động (2 năm).
Hoạt động và nghĩa vụ của văn phòng liên lạc
Chi phí hoạt động tại Algeria của văn phòng liên lạc kể cả tiền công lao động và chi phí xã hội, thuế do công ty mẹ thanh toán bằng séc thông qua tài khoản CEDAC bằng tiền đina trên cơ sở ngoại tệ được đưa vào Algeria từ trước. Đó là các loại chi phí như:
Tiền trả cho cán bộ, nhân viên, kể cả phí dịch vụ;
Chi phí xã hội và bảo hiểm;
Tiền thuê nhà và các khoản tiền thuê khác;
Phí điện thoại, fax;
Phí vận chuyển;
Phí sắp xếp, lắp đặt trụ sở;
Phí quảng cáo, tiếp tân;
Các chi phí khác.
Tuy nhiên, để giải quyết các khoản chi thông thường, văn phòng liên lạc có thể lập một quỹ trích từ tiền trong tài khoản CEDAC.
Thủ tục thành lập văn phòng liên lạc
Việc thành lập một văn phòng liên lạc phải trải qua nhiều giai đoạn sau khi gửi đơn đầu tiên đến Tổng vụ điều tiết và tổ chức các hoạt động thuộc Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu, kèm theo một giấy xác nhận không đang ký kinh doanh tại Trung tâm quốc gia về đăng ký trước bạ. Những giai đoạn này bao gồm:
- Tìm kiếm một trụ sở đặt văn phòng với việc lập hợp đồng thuê nhà có công chứng thời hạn tương ứng với thời hạn trong giấy phép chấp nhận của Bộ Thương mại, tương đương 02 năm gửi kèm theo đơn;
 Mở tài khoản CEDAC (tài khoản bằng đồng nội tệ Algeria) tại một ngân hàng Algeria với số tiền rót vào ban đầu tối thiểu 5000 USD và chuyển tổng số tiền 30.000 USD làm tiền đặt cọc của văn phòng liên lạc;
- Xin tờ khai để điền thông tin do các đơn vị của Bộ Thương mại cấp;
- Thanh toán thuế đăng ký với số tiền 1.500.000 Dina có biên lai của cơ quan thu thuế;
- Quyết định bổ nhiệm giám đốc văn phòng liên lạc, sơ yếu và bản sao hộ chiếu người này;
- Chuẩn bị một bản sao quy chế hoạt động và giấy xác nhận tồn tại của công ty mẹ được cơ quan lãnh sự công chứng;
- Cam kết bằng văn bản của đại diện hợp pháp công ty thương mại nước ngoài là tôn trọng luật pháp và quy định hiện hành của Algeria, nhất là không thực hiện các hoạt động kinh tế trực tiếp hay gián tiếp trên lãnh thổ nước này.
2/ Hiện diện tạm thời gắn với việc thực hiện hợp đồng
Việc hiện diện tạm thời của các doanh nghiệp nước ngoài được chấp nhận tại Algeria với thời hạn xác định để thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng cung ứng, nghiên cứu, dịch vụ, công trình hay bảo dưỡng cho các khách hàng ở Algeria.
Đối với doanh nghiệp nước ngoài thực hiện giao kèo, mối quan hệ hợp đồng này bao gồm nghĩa vụ khai báo sự tồn tại ở các cơ quan thuế của Algeria nơi đặt trụ sở doanh nghiệp. Khi giá trị tích lũy các hợp đồng cao hơn 01 tỷ đina, thì việc khai báo tồn tại và các nghĩa vụ khai báo tiếp theo phải được thực hiện tại Vụ các doanh nghiệp lớn, đơn vị thuộc cơ quan thuế của Algeria chuyên theo dõi về thuế các doanh nghiệp lớn. Việc khai báo tồn tại của doanh nghiệp là cơ sở để cấp mã số thuế (thường gọi tắt là NIF). Khi khách hàng là một doanh nghiệp Algeria, doanh nghiệp này cần phải đăng ký hợp đồng tại một ngân hàng thương mại để cho phép thanh toán hàng hóa, công việc hoặc dịch vụ được giao.
Mặc dù không có sự tồn tại về pháp lý theo Luật công ty của Algeria, doanh nghiệp nước ngoài vẫn được chính quyền Algeria thừa nhận là một thực thể (công ty hay tổ chức) phải nộp thuế và do vậy có khả năng ký kết hợp đồng (có quyền mở tài khoản ngân hàng, tuyển nhân viên, ký hợp đồng nhà và hợp đồng gia công) và đáp ứng các nghĩa vụ, nhất là thanh toán thuế.
3/ Thành lập công ty
Khi thành lập một công ty hay tập đoàn tại Algeria, cần phải tôn trọng khuôn khổ thiết lập quan hệ đối tác theo đó tỷ lệ tham gia của đối tác người Algeria ở sở tại chiếm ít nhất là 51% tổng số vốn góp, kể cả đối với các hoạt động nhập khẩu hàng hóa để bán lại nguyên trạng. Từ năm 2020, quy định này đã giảm bớt sự cứng nhắc trong những lĩnh vực được coi là không mang tính chiến lược.
Các hình thức pháp lý thành lập công ty theo luật Algeria cũng giống như theo luật của Pháp trừ công ty cổ phần đơn giản hóa (SAS) và công ty cổ phần đơn giản hóa một thành viên (SASU) không được quy định trong luật của Algeria.
Công ty trách nhiệm hữu hạn (EURL, SARL): Công ty TNHH được các hội viên thành lập và chia sẻ thiệt hại theo tỷ lệ đóng góp. Vốn công ty TNHH do các hội viên tự do ấn định (không có ngưỡng tối thiểu) trong quy chế công ty. Vốn góp được chia thành các phần bằng nhau.
Phần đóng góp bằng tiền mặt phải được giải ngân ít nhất 1/5 tổng số. Việc giải phóng số dư diễn ra một hoặc nhiều lần theo quyết định của người quản lý với thời hạn không vượt quá 05 năm kể từ khi đăng ký công ty trong sổ trước bạ.
Những quy định mới về công ty TNHH cho phép đóng góp bằng kiến thức hay công sức song không được tính vào vốn công ty. Sự đóng góp này phải được đánh giá dựa trên phần lợi nhuận sinh ra và được nêu rõ trong quy chế hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với công ty TNHH, phải áp dụng quy tắc liên doanh, liên kết trong đó người Algeria tham gia quá bán (51%) vốn góp.
Đối với công ty TNHH một thành viên, cho đến nay chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào sử dụng mô hình này.
Kể từ năm 2010, việc chỉ định một ủy viên kiểm toán được lựa chọn trong danh sách các chuyên gia đã được công nhận mang tính bắt buộc đối với các công ty TNHH có doanh thu trên 10 triệu Dina. Được bổ nhiệm tại đại hội công ty định kỳ, thời gian nhiệm kỳ của ủy viên kiểm toán là 3 năm, có thể gia hạn duy nhất 01 lần.
Công ty cổ phần (SPA): Trong công ty cổ phần, số lượng cổ đông có tối thiểu 7 người và chỉ chia sẻ thiệt hại theo tỷ lệ đóng góp. Số vốn không thể dưới 5 triệu Dina nếu công ty phát hành cổ phiếu, trái phiếu và không dưới 1 triệu Dina trong trường hợp ngược lại. Công ty cổ phần là hình thức công ty đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp lớn có thể mang lại lợi nhuận cao.
Công ty cổ phần được quản lý bởi một hội đồng quản trị gồm 3 đến 12 thành viên, hoặc ban điều hành gồm 3-5 thành viên do hội đồng giám sát kiểm tra. Hội đồng này có tối thiểu 7 thành viên và tối đa 12 thành viên.
Công ty bắt buộc chỉ định một ủy viên kiểm toán được lựa chọn trên danh sách các chuyên gia đã được công nhận. Được bổ nhiệm tại đại hội công ty định kỳ, thời gian nhiệm kỳ của ủy viên kiểm toán là 3 năm, có thể gia hạn duy nhất 01 lần.
Công ty hợp danh (SNC): Công ty hợp danh là một pháp nhân có quy chế “thương nhân“ do tất cả các hội viên đều là „“thương nhân““ và cùng nhau chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty. Loại hình công ty này không đòi hỏi số vốn tối thiểu. Công ty hợp danh là loại hình ít sử dụng tại Algeria do việc thủ tục pháp lý thành lập phức tạp, thường liên quan đến các nhóm công ty muốn thành lập holding (tổng công ty hay công ty mẹ).
Công ty ẩn danh (SEP): Công ty ẩn danh có thể được thành lập giữa hai hoặc nhiều thể nhân để thực hiện các hoạt động thương mại. Hình thức công ty thương mại này chỉ tồn tại trong các mối quan hệ giữa các bên thứ ba. Nó không có tư cách pháp nhân, do vậy không đòi hỏi đăng ký kinh doanh mà chỉ phải khai báo tồn tại ở các cơ quan thuế có thẩm quyền.
Công ty ẩn danh cho phép các thể nhân thực hiện một dự án chung nhằm thăm dò thị trường hoặc trước khi tiến hành các thủ tục tốn kém là thành lập công ty để có thể chuyển sang một cơ cấu khác ổn định hơn. Công ty ẩn danh có thể hoạt động trong nhiều năm. Loại hình này ít được doanh nghiệp nước ngoài áp dụng trừ trường hợp đặc biệt do thiếu vốn.
Tập đoàn (nhóm doanh nghiệp -GME): Hai hoặc nhiều pháp nhân có thể thành lập một tập đoàn với thời gian xác định. Do vậy, thực chất đây là việc thành lập một cơ cấu cộng tác giữa các doanh nghiệp đã hiện hữu vẫn giữ độc lập về pháp lý. Hình thức này thường được các công ty nước ngoài sử dụng khi hoạt động liên doanh với các pháp nhân khác của Algeria. Tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp đồng mà không tạo ra một pháp nhân riêng biệt. Tập đoàn này thường nhắm đến các hoạt động đấu thầu, chịu chi phối bởi luật hợp đồng (Bộ luật dân sự của Algeria) đối lập với luật thương mại. Các thành viên tương đối được tự do quyết định các điều khoản trong hợp đồng tập đoàn.
Trường hợp công ty liên doanh khai thác dầu khí giữa Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và hai đối tác là Công ty PTTEP Thái Lan và Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (SONATRACH) tại mỏ Bir Seba, Algeria (gọi tắt là BIR SEBA Groupement/JOC) là một ví dụ.
Tác giả: Hoàng Đức Nhuận
 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương