Đặc biệt, khi Anh rời EU chuỗi cung ứng truyền thống của Anh và EU cũng ít nhiều giảm sút, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện thay thế một phần nào đó để cung ứng hàng hóa.
Cho đến nay, ghi nhận từ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thì thương hiệu quốc gia Việt Nam đang phát triển tại Anh nhờ hoạt động đối ngoại cấp cao; các hoạt động ngoại giao kinh tế trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai bên trong năm 2023 đã đưa hình ảnh Việt Nam, thương hiệu, uy tín của Việt Nam tại Anh lên một tầm cao chưa từng có. Hiệu ứng này có tác động lan tỏa đến doanh nghiệp và thị trường Anh.
Đặc biệt, một số mặt hàng nông sản trong đó có gạo, thủy sản, trái cây lần đầu tiên thâm nhập được vào thị trường Anh. Doanh số có thể chưa nhiều nhưng là kết quả rất tốt. Bởi nếu như trước đây một số sản phẩm kể trên chỉ bán được trong các siêu thị cho cộng đồng người Việt thì gần đây đã lan tỏa sang cộng đồng người Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và kể cả người Anh gốc.
Tuy nhiên, số liệu về xuất khẩu của Việt Nam lại chưa cao như kỳ vọng. Ông Nguyễn Cảnh Cường – Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc - cho rằng, thực tế này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi UKVFTA thực thi trong bối cảnh Covid-19, kinh tế Anh bị tác động nghiêm trọng, gây ra tình trạng suy thoái, nhu cầu tiêu dùng giảm sút.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, một số doanh nghiệp Việt Nam ít có các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại Anh, nhất là tham gia các hội chợ. “Nếu doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hội chợ xúc tiến tại Anh nhiều hơn để các công ty nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng Anh biết đến sản phẩm nhiều hơn thì cơ hội xuất khẩu hàng hóa mới gia tăng”- ông Cường cho hay.
So với nhiều quốc gia trong ASEAN, Việt Nam đang có lợi thế thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Anh nhờ UKVFTA, song đây là thị trường có tiêu chuẩn cao của thế giới, điều này gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Đề cập đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, từ trước khi Vương quốc Anh rời EU chúng ta đều thấy rằng, tiêu chuẩn sản phẩm của EU cũng đã khắt khe bậc nhất thế giới rồi. Nhưng ông cho rằng, đây đã là câu chuyện cũ. Bởi, trong 20 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên và đạt tiêu chuẩn sản phẩm của EU. Bằng chứng là xuất khẩu hàng hóa sang EU của chúng ta ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Mặt khác, trước khi Vương quốc Anh rời EU thì sản phẩm của Việt Nam cũng đã vào thị trường này.
Như vậy, để có thể khai thác hiệu quả hơn các ưu đãi từ UKVFTA, qua đó gia tăng thị phần hàng hóa tại Anh một cách mạnh mẽ hơn, ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh, trước hết doanh nghiệp nên nhờ tới kênh hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn người Anh đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có các thành viên chủ chốt của Phòng thương mại Anh. “Thông qua đó, họ sẽ tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam cách tiếp cận thị trường, các marketing sản phẩm phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của người Anh, cũng biết cách đáp ứng được các mong đợi của doanh nghiệp, nhà phân phối Anh”- ông Cường chia sẻ.
Ngoài ra, ông Cường gợi ý, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng có thể giúp cho doanh nghiệp một phần nào đó, nhưng nguồn nhân lực của Thương vụ còn ít, và nếu so sánh mức độ hiểu biết thị trường, mức độ gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp thì không người Việt Nam nào có thể so sánh được với người Anh.
Hơn thế, Anh là thị trường có tiêu chuẩn cao hàng đầu thế giới, do vậy muốn tăng dung lượng thị trường, sản phẩm phải xâm nhập và xây dựng được thương hiệu. Theo đó, ngoài tăng hàm lượng giá trị và chế biến sâu cho sản phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư cứu thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của nước Anh, cũng như nắm bắt được nhu cần, kỳ vọng của nhà phân phối về sản phẩm, hàng hóa.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị, doanh nghiệp cần có sự tham gia tư vấn, đồng hành của các chuyên gia thương hiệu người Anh, người Việt Nam ở Anh. Khi đó, thương hiệu mới có thể phù hợp và đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng Anh.
Mặt khác, doanh nghiệp cần phải phải đầu tư, có một chiến dịch marketing để lan tỏa giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu phải mang tới những câu chuyện hấp dẫn làm sao gây được sự thích thú, quan tâm của người tiêu dùng nước sở tại.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải quan tâm đến việc có được chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền Anh trước khi xuất khẩu sang thị trường này. Bởi đây là những yêu cầu đầu tiên để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng Anh.
Một trong các cách thức để có được chứng nhận tiêu chuẩn của Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, đó là có thể liên hệ Văn phòng đại diện của Viện Tiêu chuẩn Anh tại Việt Nam (BSI), các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy trình thủ tục để xin các chứng chỉ công nhận của các Bộ tiêu chuẩn. Phương thức này nhanh và tương đối dễ vì có cả chuyên gia người Việt. Tuy nhiên, chi phí hơi cao so với nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh giúp liên hệ trực tiếp với Viện Tiêu chuẩn Anh tại London để xin cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Anh. Cách này chi phí thấp hơn so với giải pháp trên, nhưng có thể gây quá tải với Thương vụ do nhân lực có hạn.
Hoặc, “doanh nghiệp có thể thông qua Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh - tổ chức này hiện có chuyên gia về pháp lý, thị trường vừa là người Việt Nam vừa là người Anh rất nhiệt huyết trong việc giúp sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Anh”- ông Cường gợi ý.

Nguồn: Quỳnh Anh