Gần 300 hoạt động XTTM ở trong nước và quốc tế
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, công tác xúc tiến thương mại được triển khai ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.
Đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả sang thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành Việt nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải” dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội và sẽ là Diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với đó, năm 2023 hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương cùng với các đơn vị liên quan tập trung triển khai. Năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế.
Cục xúc tiến thương mại cho biết sẽ tập trung vào các hoạt động như: hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế; tổ chức các hội nghị ngành hàng quốc tế lớn tại Việt Nam để quảng bá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia song song quảng bá thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm, và sản phẩm đặc sản vùng miền ở thị trường nước ngoài; đặc biệt, phát huy vai trò hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng triển khai các chương trình nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thương mại xanh, tăng trưởng và phát triển xanh trên thế giới.
Bên cạnh các giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo, đính hướng, khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu.
Thêm nguồn lực
Tuy vậy, theo Cục Xúc tiến thương mại hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đó là nguồn lực hạn hẹp, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa được điều chỉnh kịp thời.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC) về vai trò của xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu của các quốc gia cho thấy, mỗi 1 USD chi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giúp các quốc gia tăng thêm được 87 USD giá trị xuất khẩu và 384 USD đóng góp vào GDP.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại ở Việt Nam còn rất hạn chế, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác và chưa tương xức với mức tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2012, kinh phí được cấp cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là 93 tỷ đồng, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD. Từ năm 2020 đến nay kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 100%, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh covid-19 nhưng đạt 282,66 tỷ USD, năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, năm 2022 đạt gần 372 tỷ USD nhưng kinh phí Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dù được tăng dần các năm sau đó và ổn định ở mức 136 tỷ/năm (khoảng 5,7 triệu USD).
Do đó, với thực tế năng lực cung ứng hàng hóa và năng lực thích ứng thị trường của doanh nghiệp đã được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế và đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho xúc tiến thương mại quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm, để giữ vững và phát triển thị trường và kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra theo Cục Xúc tiến thương mại cũng cần mở rộng mạng lưới cơ quan Thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại, bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách và hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển xuất khẩu...

Nguồn: Haiquanonline