Từ ngày 8 - 16/3, 12 nước thành viên TPP đã nhóm họp tại Hawaii, Hoa Kỳ nhằm quyết tâm đi đến thống nhất các vấn đề còn tồn đọng, kết thúc nhanh tiến trình đàm phán để thúc đẩy hội nhập thương mại khu vực.
Kỳ I: Toàn diện, cân bằng và minh bạch
Theo Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam về TPP Trần Quốc Khánh, khi TPP được ký kết, chắc chắn sẽ có những lợi ích cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. TPP cam kết sâu hơn về các chuỗi sản xuất và cung ứng, thiết lập các nguyên tắc để bảo đảm doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.
Tăng giá trị tại thị trường xuất khẩu được nhìn nhận là lợi ích rõ ràng nhất khi TPP bao gồm nhiều đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc... Đây là những thị trường mà các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Lợi ích của những mặt hàng này sẽ được cụ thể hóa ngay trong quy tắc chung của TPP về việc xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó 90% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực). Ví dụ, hiện xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, thuế suất hiện nay trung bình 17,5% có thể giảm xuống 0%, tạo cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu.
Cùng với đó, dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP vào Việt Nam sẽ gia tăng, góp phần tích cực đối với sự phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn. Thực tế cho thấy, trong hai năm 2013 và 2014, nhiều doanh nghiệp từ Hồng Kông, Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào dệt nhuộm tại Việt Nam. Có nhiều doanh nghiệp đầu tư cả một chuỗi khép kín, từ dệt vải đến may mặc, như: Công ty Gain Lucky Limited (thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu Nike, Adidas, Puma...), Công ty Forever Glorious (thuộc Tập đoàn Sheico của Đài Loan)...
Xét về dài hạn, việc thực thi cam kết trong TPP sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay nước ngoài.
Các đoàn đàm phán đang tiến tới xây dựng cách thức về việc nâng cao tính minh bạch, quản trị công tốt và tăng cường những nỗ lực chống tham nhũng nhằm bảo đảm thương mại và đầu tư tăng trưởng song hành với lợi ích của doanh nghiệp.
Giải quyết các vấn đề phi thương mại
Theo các chuyên gia, trong tiến trình đàm phán TPP, 12 nước thành viên đã trao đổi nghiêm túc, thận trọng về những vấn đề thương mại mới nhằm đạt được một hiệp định có tính cân bằng, toàn diện. TPP sẽ đưa ra các cam kết cân bằng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm gia tăng và chia sẻ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung phức tạp và khó khăn nhất khi đàm phán, nhưng các bên đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa ra các cách tiếp cận chung để khuyến khích những cải tiến sáng tạo và cải tiến công nghệ với sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.
Về vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN), TPP không có điều khoản yêu cầu các quốc gia không được duy trì DNNN cũng như không có điều khoản nào yêu cầu các quốc gia phải tư nhân hóa DNNN, mà thừa nhận vai trò của DNNN. TPP chỉ đề nghị DNNN khi tham gia cạnh tranh trên thị trường thì phải tuân theo quy luật của thị trường.
Với mua sắm chính phủ, TPP có thể là một động lực tốt để giải quyết tình trạng thiếu minh bạch trong các hợp đồng đấu thầu mua sắm công và là một biện pháp tốt nhằm giảm tham nhũng trong đầu tư công. Về lâu dài, TPP sẽ thúc đẩy cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền hành chính công của Việt Nam ngày càng được cải cách tốt hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững hơn trong tương lai.
(Còn nữa)
Nguồn: Báo Công Thương điện tử