Quy mô thị trường thủy sản Bắc Âu
1. Thụy Điển
Người Thụy Điển chi tiêu khoảng 20% thu nhập cho thực phẩm và đồ uống. Trong đó, 70% chi tiêu cho các cửa hàng thực phẩm và 30% cho các bữa ăn bên ngoài.
Thủy sản thông thường chiếm 5% tổng doanh thu trong ngành bán lẻ thực phẩm, trong đó thủy sản tươi sống, đông lạnh, và ướp lạnh chiếm khoảng 55% và 45% còn lại là thủy sản chế biến.
Tâm lý tích cực của người tiêu dùng đã thúc đẩy nhu cầu trên thị trường thụy sản ở Thụy Điển trong giai đoạn 2015-2020. Hơn nữa, với xu hướng tiêu dùng đang chuyển mạnh sang đạm không phải thịt ở Thụy Điển, các sản phẩm thủy sản được định vị là một sự thay thế lành mạnh vì hàm lượng chất béo thấp, protein và Omega 3 cao. Thủy sản đông lạnh được tiêu thụ nhiều nhất, tiếp theo là thủy sản tươi sống. Nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp và chế biến sẵn cũng đang tăng dần do cuộc sống bận rộn của người tiêu dùng, nhất là lớp trẻ.
Theo thống kê của Landgeist, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Thụy Điển là 33kg/năm. Mức tiêu thụ thủy sản của Thụy Điển vẫn dưới mức khuyến nghị của các cơ quan y tế là cần ăn thủy sản ít nhất 2-3 lần/tuần.
Mức tiêu thụ của các hộ gia đình Thụy Điển đối với các sản phẩm thủy sản tăng mạnh vào năm 2020, với mức tăng 33% về lượng và tăng 24% về giá trị, đạt mức cao nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, cá hồi, loài đứng đầu, ghi nhận giá giảm 8%, giảm từ 11,97 EUR/kg năm 2019 xuống 10,98 EUR/kg trong năm 2020; Giá cá trích, đáng chú ý, tăng 19%, từ 6,52 EUR/kg lên 7,78 EUR/kg.
Có đến 80 loài thủy sản khác nhau được bán trên thị trường nhưng 10 loài phổ biến nhất chiếm 80% lượng tiêu thụ. Người Thụy Điển chủ yếu ăn cá hồi, cá trích, cá tuyết, và tôm. Chưa đến 30% lượng tiêu thụ là sản phẩm nội địa, còn lại hơn 70% là thủy sản nhập khẩu.
Dự kiến, thị trường thủy sản Thụy Điển sẽ tăng trưởng hàng năm 2,86% (CAGR 2022-2027).
2. Đan Mạch
Năm 2019, theo thống kê của EUMOFA, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Đan Mạch ước tính đạt 42,56kg bình quân đầu người, tăng 6% so với năm 2018. Các loài được tiêu thụ nhiều nhất là cá trích, cá hồi và trai.
Tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Đan Mạch tiếp tục tăng vào năm 2020 như trong 4 năm trước đó. Năm 2020, lượng tiêu thụ đạt 225 triệu euro, tương đương 13.605 tấn. Riêng cá hồi, loài được tiêu thụ chính, đã chiếm 36% tổng khối lượng. Giá cá hồi ở Đan Mạch là một trong những nước cao nhất, khi đạt 23,06 euro/kg vào năm 2020. So với năm 2019, mức tăng lớn nhất về giá trị là mức tăng 39% được ghi nhận đối với cá thu, loài được tiêu thụ nhiều thứ ba vào năm 2020. Giá cá tuyết tăng 11%, từ 15,35 euro/kg năm 2019 lên 17,33 euro/kg vào năm 2020.
Dự kiến, thị trường thủy sản Đan Mạch sẽ tăng trưởng hàng năm 3,52% (CAGR 2022-2027).
3. Na Uy
Na Uy là một trong những quốc gia tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người cao nhất thế giới. Ở châu Âu, Na Uy chỉ đứng sau Iceland và Bồ Đào Nha. Tiêu thụ cá và các sản phẩm thủy sản đạt trung bình 51kg/đầu người/năm theo thống kê của Landgeist (xem biểu đồ trong phần Thụy Điển ở trên). Cá tươi chiếm hơn một nửa tổng số sản phẩm cá được mua để tiêu thụ trong gia đình, trong khi, cá đông lạnh là khoảng một phần ba. Doanh số bán cá tươi đã tăng, đặc biệt là philê cá. Các loài được người tiêu dùng Na Uy ưa chuộng nhất là cá tuyết, cá hồi, tôm, cá thu và cá minh thái châu Âu.
Na Uy là nước có kim ngạch xuất khẩu cá và hải sản lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Dự kiến, thị trường thủy sản Na Uy sẽ tăng trưởng hàng năm 0,12% (CAGR 2022-2027).

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia