Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch hướng tới các tiêu chuẩn đóng gói mới đối với xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, nhằm giải quyết các quan tâm về an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn sức khỏe ngay khi một số sản phẩm thực phẩm của Ấn Độ bị từ chối ở các thị trường phát triển.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thành lập một ủy ban thường trực để xây dựng các tiêu chuẩn đóng gói đối với xuất khẩu 500 sản phẩm bao gồm rau quả tươi, giá vị, chè và cà phê.

Theo đó, các quy định này sẽ được đồng bộ với các quy định của các thị trường như Hoa Kỳ, Việt Nam, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Sở dĩ như vậy vì Chính phủ nước này muốn thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm tươi và chế biến, nhằm hy vọng các quy định sẽ giúp tăng cường các giao dịch xuất khẩu sang các thị trường của Ấn Độ, khi mà “lượng lớn ô nhiễm có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển nếu bao bì không được làm đúng quy cách”.

Ủy ban thường trực cũng được giao nhiệm vụ tổ chức giới thiệu về đóng gói sản phẩm như một sáng kiến nhằm tăng cường nhận thức về vấn đề này. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nghiên cứu các vật liệu sáng tạo để đóng gói các sản phẩm khác nhau. Thành viên ủy ban bao gồm các đại diện từ Viện Nghiên cứu bao bì, Cơ quan Phát triển xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến, nhiều viện nghiên cứu và các hiệp hội ngành hàng như Hội đồng Chè, Hội đồng Cà phê.

Được biết, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã nhiều lần từ chối nhập cảnh các sản phẩm thực phẩm của Ấn Độ như gia vị, gạo basmati, thủy sản và các sản phẩm thảo dược. Trong khi đó phía Nga cũng đặt ra lệnh cấm nhập khẩu gạo và lạc từ Ấn Độ do bị nhiễm bẩn. Australia đã đưa ra lời khuyên rằng các nhà xuất khẩu Ấn Độ tham gia xuất khẩu thực phẩm chế biến, đặc biệt có chứa sữa, không tuân thủ quy định nhập khẩu vào Australia, sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm các quy định nhập khẩu.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn