Ông Cheng Wei – chuyên gia cao cấp của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc Lợi Đài Loan cho hay, bắt đầu từ 1/1/2018, tất cả các loại thủy sản có vỏ NK vào Đài Loan phải có chứng nhận vệ sinh ATTP chính thức do nước XK cấp và các giấy tờ chứng minh thủy sản được đánh bắt từ các vùng nước an toàn và được các đơn vị, doanh nghiệp hợp pháp SX hoặc phân phối.
“Tất cả các nhà NK và các hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh liên quan trong nước đã được thông báo về chính sách mới này. Sau khi chính sách mới có hiệu lực, Bộ sẽ không chấp nhận bất kỳ đơn xin kiểm tra nào đối với thủy sản có vỏ NK mà không có các giấy tờ chứng thực đầy đủ” – ông Cheng Wei cho biết.
Theo dữ liệu của FDA Đài Loan, 5 loại thủy sản có vỏ phổ biến nhất được NK vào Đài Loan là nhuyễn thể, sò, bào ngư, ngao và hàu. Trung Quốc là nước XK nhiều nhất với khoảng 2,8 triệu kg vào năm 2016. Tiếp đến là Nhật Bản với 1,48 triệu kg và Philippines với 1,14 triệu kg.
Trong những năm gần đây, tại Đài Loan đã có nhiều vụ ngộ độc khi ăn các sản phẩm thủy sản có NK. Theo các nhà nghiên cứu, thủy sản có thể tích tụ độc tố nếu chúng sống trong nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo các nhà chức trách Đài Loan, vào năm 2015, hơn 100 khách du lịch trên đảo Green (Đài Loan) đã có các triệu chứng ngộ độc thức ăn sau khi ăn phải hải sản có vỏ NK tại một nhà hàng địa phương. Các con hàu sau đó được phát hiện là bị nhiễm vi rút Norovirus. Norovirut gây ra viêm dạ dày ruột, triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và chuột rút dạ dày. Người bị nhiễm Norovirut thường sốt nhẹ, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi 12-48 giờ sau khi tiếp xúc với vi rút và bệnh thường kéo dài 1-3 ngày.
Nguồn: nongnghiep.vn