Tài liệu khung này là nỗ lực của Canada để trở thành nước đầu tiên thực thi triệt để kế hoạch loại bỏ rác thải nhựa. Tuy nhiên, tài liệu khung này sẽ đặt ra nhiều trở ngại cho hàng nhập khẩu vào Canada nói chung và đặt ra nhiều thách thức pháp lý đối với quá trình thực thi sau này không chỉ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài mà cả cho các doanh nghiệp nội địa của Canada. Bài viết dưới đây tóm tắt các nội dung chính đáng lưu ý của tài liệu khung, nhất là những điểm có khả năng tác động đến xuất khẩu của Việt Nam và các ý kiến đánh giá tác động của các quy định này.
1. Quy định ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa
Việc ban hành quy định ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa là một nỗ lực của Chính phủ Canada tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. Các quy định này sẽ được thực thi trong khuôn khổ Luật bảo vệ môi trường Canada và cả chính quyền tỉnh bang lẫn liên bang đều có vai trò thực thi. Theo đó, trong nền kinh tế tuần hoàn, mọi người dân Canada đều có trách nhiệm tham gia và có khả năng tham gia, nghĩa là các bao bì phải được thiết kế và có thông tin rõ ràng để người dân lựa chọn từ lúc mua sản phẩm, cho đến khả năng phân loại bao bì để đưa đi tái chế. Quy định nhằm triển khai hiệu quả kinh tế tuần hoàn thông qua việc nâng tỷ lệ phân loại, thu hồi và tái chế, cụ thể là vào năm 2030, Canada sẽ đạt ít nhất 50% hàm lượng tái chế trong bao bì nhựa; thu hồi và tái sử dụng ít nhất 55% bao bì nhựa vào năm 2030 và đạt 100% vào năm 2040; đạt 100% bao bì có khả năng tái chế và không còn rác thải nhựa vào năm 2030.
Nội dung chính của các quy định này chủ yếu là: 1. ấn định hàm lượng tái chế tối thiểu trong sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa; 2. Quy định ghi nhãn tái chế nhằm phân loại chính xác sản phẩm nhựa; 3. Quy định cấm sử dụng các từ “tự huỷ sinh học”; “có khả năng tự huỷ” trên các sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa và hạn chế sử dụng khái niệm “có khả năng làm phân bón”. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định này là các bên tham gia vào thiết kế, tiêu thụ các sản phẩm nhựa và bao bì nhựa và sở hữu thương hiệu (tức là các nhà sản xuất hoặc các nhà nhập khẩu) và các nhà bán buôn/phân phối trong trường hợp được uỷ quyền hoặc nếu không có cả nhà nhập khẩu và phân phối thì nhà bán lẻ cuối cùng.
Để thực thi, ngoài Luật bảo vệ môi trường Canada, Chính sách trách nhiệm người sản xuất mở rộng (EPR) của tỉnh bang và liên bang sẽ được triển khai nhằm buộc các nhà sản xuất/nhập khẩu có trách nhiệm với việc thu hồi và quản lý các sản phẩm nhựa và bao bì nhựa vào cuối vòng đời của sản phẩm, thông qua các hoạt động như: hoàn trả tiền đặt cọc bao bì, thu đổi sản phẩm, lắp đặt hệ thống thu nhận bao bì… Trách nhiệm sản xuất mở rộng buộc các nhà sản xuất phải chịu chi phí vận hành nhằm quản lý các bao bì của mình và đầu tư cải thiện thiết kế bao bì, tái sử dụng/xử lý bao bì cũ. Chương trình này dự kiến sẽ được triển khai ở tất cả các tỉnh bang muộn nhất vào năm 2030.
Quy định về đối tượng áp dụng của thuật ngữ “bao bì nhựa”:
Khái niệm bao bì của Canada là theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 18604, bao gồm tất cả các sản phẩm để đựng, bảo quản, lưu trữ, trưng bày và vận chuyển. Bao bì được phân loại thành bao bì gốc (trực tiếp liên quan đến sản phẩm); bao bì thứ cấp (bao bì dùng để đựng bao bì gốc). Ngoài ra, còn có bao bì trong thương mại điện tử, hay còn gọi là bao bì cấp 3. Ngoài ra, bao bì còn được phân loại theo đối tượng sử dụng: bao bì gia đình và bao bì công nghiệp/thương mại. Bao bì gia đình là loại bao bì bắt buộc phải chịu quy định về việc ghi nhãn tái chế; bao bì công nghiệp/thương mại không chịu quy định về việc ghi nhãn những phải tuân thủ quy định về hàm lượng tái chế.
Dự thảo có đặt ra một số ngoại lệ như: bao bì có khả năng tái sử dụng nhiều lần trong hệ thống có thể được miễn quy định về ghi nhãn và/hoặc hàm lượng tái chế tối thiểu nhằm khuyến khích sáng chế các sản phẩm thay thế có khả năng tái sử dụng, ví dụ bao bì của công ty mẹ để giao hàng và sẽ thu hồi lại để sử dụng tiếp; hoặc sản phẩm nhựa sử dụng lại nhiều lần ở hộ gia đình (sọt rác, hộp đồ nghề, hộp đựng đĩa DVD…); hoặc bao bì vận chuyển xuyên quốc gia (nhà nhập khẩu ít có khả năng kiểm soát hàm lượng tái chế đối với bao bì trong thương mại điện tử); bao bì để xuất khẩu sang nước khác và không tái chế trong hệ thống của Canada; và các hàng hoá trung chuyển qua Canada để đi tới nước thứ ba. Bao bì nhựa chính là sản phẩm cuối cùng chứ không phải “bao bì thuần”cũng được xếp vào ngoại lệ: vỏ hộp tai nghe, vỏ bật lửa, vỏ hộp mực in… Các sản phẩm liên quan đến y tế, dinh dưỡng hoặc an toàn (sản phẩm sữa, thức ăn cho trẻ sơ sinh, thuốc, thiết bị y tế…) cũng sẽ được loại trừ khỏi các yêu cầu về hàm lượng tái chế trừ vỏ chai đồ uống. Do các sản phẩm này chịu sự điều chỉnh ngặt nghèo của nhiều luật khác nhau như: Đạo luật và Quy định về Thực phẩm và Dược phẩm, Đạo luật Sức khỏe Động vật, Đạo luật Cần sa, Đạo luật Vận chuyển Hàng hóa Nguy hiểm, 1992, Đạo luật Sản phẩm Nguy hiểm, Đạo luật Hỗ trợ Sinh sản Con người và Đạo luật về tác nhân gây bệnh và độc tố ở người…; theo đó nhựa tái chế đủ tiểu chuẩn làm bao bì thực phẩm không có nhiều,
Yêu cầu về hàm lượng tái chế
Hàm lượng tái chế đang đặt ra thách thức chủ yếu với những sản phẩm sử dụng bao bì nhựa cứng do việc sử dụng hàm lượng tái chế trong bao bì mềm vẫn có những rào cản kỹ thuật. Tất cả các công ty sản xuất và nhập khẩu sản phẩm có bao bì cứng (bao gồm vỏ chai đồ uống, hộp mỹ phẩm…) phải có trách nhiệm báo cáo hàm lượng tài chế đối với từng sản phẩm. Đối với bao bì mềm, dù không phải báo cáo hàm lượng tái chế, các công ty vẫn phải báo cáo tổng lượng nhựa sử dụng và nhựa tái chế nếu có và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của báo cáo. Các công ty phải tuân thủ việc theo dõi số liệu về hàm lượng tái chế và đảm bảo nộp Báo cáo hàng năm. Từ năm 2028, mọi sản phẩm sử dụng hàm lượng tái chế phải do bên thứ ba kiểm định và xác nhận. Vai trò kiểm định của bên thứ ba rất quan trọng vì đây phải là cơ quan trung thực, có uy tính để tránh các lạm quyền trong kiểm định và xác nhận.
Mặc dù bao bì nhựa có thể phân huỷ cũng được miễn trừ do sự không tương thích về mặt kỹ thuật của nhựa sinh học phân hủy với quy định hàm lượng tái chế. Tuy nhiên, bao bì nhựa có thể phân hủy vẫn phải tuân theo các yêu cầu ghi nhãn như các sản phẩm nhựa thông thường vì Canada cho rằng các sản phẩm này cũng vẫn đặt ra những vấn đề như là các sản phẩm nhựa thông thường.
Quy định về việc ghi nhãn có khả năng tái chế, có khả năng phân huỷ:
Từ tháng 7/2022, Canada đã công bố tài liệu lấy ý kiến về các quy định nhằm quản lý việc ghi nhãn tái chế và ghi nhãn sản phẩm nhựa có thể phân huỷ. Đối tượng của việc ghi nhãn này là các sản phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng, nghĩa là các sản phẩm sẽ được các cá nhân vứt bỏ sau sử dụng. Trong dự thảo hiện nay quy định việc ghi nhãn là bắt buộc với tất cả các sản phẩm, bao gồm cả các sản phẩm giao dịch qua thương mại điện tử (trừ một số rất ít sản phẩm được cấp ngoại lệ như: sản phẩm có bề mặt bao bì nhỏ hơn 25cm2; sản phẩm do cá nhân tự đóng gói, ví dụ ở chợ trời, trang trại…). Việc ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa là nhằm để thông tin cho người tiêu dùng về việc bao bì có khả năng tái chế không và xử lý sau khi sử dụng thế nào. Đến năm 2030, mọi sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa buộc phải phân loại rõ là tái chế được hay không tái chế được.
Luật Canada dự kiến cấm việc tuỳ tiện sử dụng biểu tượng tái chế tuần hoàn (mũi tên đuổi theo), trừ trường hợp tuân theo đúng nguyên tắc ghi nhãn; cấm sử dụng mã nhận dạng nhựa kết hợp biểu tượng “mũi tên đuổi theo”; cấm sử dụng các thuật ngữ, biểu tượng về việc tái chế hoặc hướng dẫn tái chế trái với quy tắc ghi nhãn…; cấm sử dụng các thuật ngữ “tự huỷ sinh học”, “có khả năng phân huỷ”, “có thể dùng làm phân bón” gây hiểu nhầm rằng sản phẩm sẽ phân hủy, phân mảnh hoặc phân hủy sinh học trong môi trường; cấm sử dụng nhãn màu xanh lá cây gây hiểu nhầm với chất thải hữu cơ… (tình trạng hiểu nhầm hiện nay là có thể vứt các sản phẩm nhựa này lẫn với rác thải hữu cơ). Các sản phẩm ghi nhãn có khả năng phân huỷ sẽ phải qua kiểm tra thực địa tại Canada và chứng thực được khả năng phân huỷ ít nhất 90% trong chu trình phân huỷ. Chỉ khi được kiểm tra, các sản phẩm này mới được ghi “có khả năng phân huỷ” (và sẽ ghi không tái chế được) và được sử dụng nhãn màu xanh để phân biệt với các sản phẩm nhựa không phân huỷ được.
Yêu cầu với việc ghi nhãn phụ: hiện nay hàng hoá nhập khẩu sử dụng nhiều tem dính phụ. Tuy nhiên, các tem dính phụ này có nguy cơ tạo ra khí methane khi bị trộn lẫn với các sản phẩm phân huỷ được và sẽ làm ô nhiễm đất. Các nhãn phụ vì vậy cũng dự kiến sẽ chịu quy định về việc phải là nhãn phụ có thể phân huỷ.
Ngoài việc ghi nhãn, các doanh nghiệp còn được yêu cầu cung cấp mã QR code bề mặt sản phẩm để người tiêu dùng có thể tìm hiểu thêm về khả năng tái chế của sản phẩm; các thông tin này phải thể hiện bằng hai ngôn ngữ; ghi rõ các quy định của từng tỉnh bang đối với sản phẩm liên quan và các hướng dẫn tái chế của từng tỉnh bang; các giải thích về khả năng tái chế/không tái chế/phải thu hồi với từng bộ phận của sản phẩm…). Hiện nay chưa rõ là mã QR code này sẽ dẫn chiếu đến một website do Canada xây dựng hay từng doanh nghiệp phải tự xây dựng vì Canada yêu cầu việc truy cập các thông tin là tự do và miễn phí, không bắt buộc người truy cập phải đăng ký account.
2. Cơ quan liên bang đặc trách theo dõi vấn đề nhựa và tiếp nhận báo cáo
Để triển khai việc kiểm soát rác thải nhựa, từ tháng 7 năm 2022, Canada đã dự kiến lập Cơ quan theo dõi vấn đề nhựa ở cấp liên bang. Cơ quan này có chức năng kiểm soát việc tuân thủ các quy định về rác thải nhựa nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa của Canada. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ tiêu chuẩn hoá chương trình EPR giữa các tỉnh bang. Các dữ liệu của Cơ quan này dự kiến sẽ mở công khai cho tất cả mọi người được tiếp cận.
Quy trình báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu Canada lên cơ quan này: các doanh nghiệp phải có tên và địa chỉ, có mã số doanh nghiệp do Cơ quan thuế Canada cấp và có mã số NACIS. Trong báo cáo, phải có nêu rõ chương trình EPR liên quan đến các sản phẩm nhựa thuộc những tỉnh bang nào và đại diện cho các nhà sản xuất nào. Người đại diện báo cáo phải là đại diện được uỷ quyền của nhà sản xuất với tên tuổi, chức danh và có năng lực ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất khi phát hành báo cáo. Báo cáo và các tài liệu liên quan phải lưu trữ tại địa điểm kinh doanh đăng ký ở Canada trong vòng ít nhất 3 năm. Các thông tin yêu cầu báo cáo bao gồm: lượng nhựa đưa vào thị trường (nhập khẩu và xuất khẩu); lượng nhựa thu hồi và phân loại, lượng nhựa tái sử dụng, lượng nhựa tái sửa chữa hoặc tân trang, lượng nhựa tái chế, lượng nhựa tiêu đốt để thu hồi năng lượng và lượng nhựa vứt ra bãi thải. Các thông tin còn được yêu cầu nộp chi tiết theo đơn vị tỉnh bang đối với sản phẩm; phân nhóm sản phẩm nhựa, loại nhựa resin và loại nhựa gia dụng hay công nghiệp.
Lộ trình thực hiện và nội dung báo cáo đối với từng nhóm sản phẩm nhựa dự kiến như sau:
Bao bì: bao bì cứng của các sản phẩm đồ uống, bao bì cứng không phải đồ uống, sản phẩm nhựa dùng một lần là nhựa cứng, nhựa mềm dùng trong các sản phẩm đồ uống, không phải đồ uống và sản phẩm nhựa dùng một lần. Lộ trình về việc báo cáo này đối với Nhóm sản phẩm bao bì là từ 1/6/2025 (báo cáo về lượng nhựa đưa vào thị trường và từ 1/6/2026 đầy đủ các nội dung liên quan đến lượng nhựa thu hồi và phân loại; lượng nhựa tái sử dụng, lượng nhựa tái chế và lượng nhựa sử dụng để thu hồi năng lượng).
Thiết bị điện và điện tử có sử dụng nhựa: các thiết bị tin học, viễn thông, nghe nhìn, thiết bị ánh sáng, thiết bị thể thao, đờ chơi, các sản phẩm trang trí, giải trí, nghệ thuật, các dụng cụ đô lường, các thiết bị y tế, các dây cáp, ổ nối, ổ sạc… Nhóm thiết bị điện tử cũng bắt đầu phải báo cáo từ 1/6/2025 (báo cáo về lượng nhựa đưa vào thị trường) và từ 1/6/2026 báo cáo lượng nhựa thu hồi và phân loại và từ 1/6/2027 các nội dung liên quan đến lượng nhựa tái sử dụng, lượng nhựa tái chế và lượng nhựa sử dụng để thu hồi năng lượng.
Vật liệu xây dựng có sử dụng nhựa: cửa sổ, cửa ra vào, sàn, tấm phim cách nhiệt, sản phẩm sơn, vật liệu lợp mái, đường ống… Các sản phẩm này bắt đầu phải báo cáo từ 1/6/2026 về lượng nhựa đưa vào thị trường và từ 1/6/2028 các nội dung liên quan khác.
Công nghiệp ô tô và phương tiện đi lại: xe máy, xe ô tô, xe tải, xe bus… Nhóm sản phẩm này bắt đầu phải báo cáo từ 1/6/2026 về lượng nhựa đưa vào thị trường và từ 1/6/2028 các nội dung liên quan còn lại.
Các sản phẩm gia dụng: tủ lạnh, tủ đông, điều hoà, máy lọc nước, máy giặt, máy sấy… Nhóm sản phẩm này bắt đầu phải báo cáo từ 1/6/2026 về lượng nhựa đưa vào thị trường và từ lượng nhựa thu hồi và phân loại và từ 1/6/2027 các nội dung liên quan còn lại.
Các sản phẩm nhựa nông nghiệp: thùng hàng, túi đựng… Nhóm sản phẩm này bắt đầu phải báo cáo từ 1/6/2026 về cả 6 nội dung.
Các sản phẩm nhựa dệt may: quần áo, vải nội thất, vật liệu da giày… Nhóm sản phẩm này bắt đầu phải báo cáo từ 1/6/2026 về lượng nhựa đưa vào thị trường và từ 1/6/2028 các nội dung liên quan còn lại.
3. Đánh giá tác động của các quy định và các vấn đề cần quan tâm:
Ngay sau khi Canada công bố Tài liệu khung nói trên, Thương vụ đã có buổi làm việc với Ông Warrington Ellacott, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu và xuất khẩu Canada về các vấn đề mà các dự thảo này có thể đặt ra cho các nhà nhập khẩu Canada và các nhà sản xuất nước ngoài. Ở góc độ Hiệp hội, ông Ellacott cho rằng thời gian lấy ý kiến 30 ngày là quá ngắn đối với các văn bản có tác động lớn đến các doanh nghiệp như vậy (theo ông, quy định trong USMCA là 60 ngày). Ông cho biết, quan điểm của Hiệp hội là cần có sự hài hoà hoá về quy định và tiêu chuẩn như vậy giữa các nước G7 và G20, đặc biệt là về vấn đề ghi nhãn và EPR, đặc biệt đối với việc tiêu chuẩn hoá các vật liệu được sử dụng/không được sử dụng vì có một số vật liệu nhựa là thiết yếu trong công nghiệp ô tô và chưa có đầu vào thay thế. Ông cho rằng việc đặt ra các quy định này mà không cân nhắc khả năng thực thi cũng như làm rõ cách hiểu/vận dụng quy định sẽ có nguy cơ gây tắc nghẽn thêm nữa các cảng biển của Canada. Ông cũng đánh giá rằng Hoa Kỳ và một số quốc gia có thể sẽ có ý kiến với Canada về các nội dung quy định này.
Trao đổi với Hiệp hội, Thương vụ cho rằng Chương trình EPR có sự khác biệt rất lớn giữa các tỉnh bang và liên bang về việc định nghĩa thế nào là nhà sản xuất, đặc biệt với trường hợp hàng nhập khẩu: là đơn vị nhập khẩu sản phẩm nhựa hoặc bao bì nhựa hay là nhà sở hữu thương hiệu; đâu là trách nhiệm giữa bên sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, nhà bán lẻ… Việc thực thi EPR giữa các tỉnh bang thế nào khi có sự khác biệt về khái niệm giữa nhà sản xuất giữa tỉnh bang và liên bang (dự kiến là nếu có sự khác biệt thì luật tỉnh bang có giá trị áp dụng). Hiện nay định nghĩa nhà sản xuất được đề xuất trong dự thảo là nhà sản xuất nếu công ty sở hữu thương hiệu nằm ở Canada; nếu là sản phẩm nhập khẩu thì nhà nhập khẩu và phân phối đầu chuỗi là người chịu trách nhiệm thực thi EPR; nếu không có cả nhà nhập khẩu và phân phối thì nhà bán lẻ cuối cùng là người chịu trách nhiệm thực thi EPR. Ví dụ: Chuỗi siêu thị nhập khẩu mì sợi đóng gói bao bì nhựa theo thương hiệu riêng hoặc tự nhập trực tiếp, chuỗi siêu thị sẽ chịu trách nhiệm thực thi EPR. Nếu chuỗi siêu thị đó bán mì sợi do nhà phân phối nhập khẩu, nhà phân phối sẽ chịu trách nhiệm thực thi EPR.Việc ràng buộc quy định trách nhiệm như vậy thực tế là một hình thức bảo hộ cho các nhà sản xuất trong nước vì chỉ có các nhà sản xuất sở tại mới có thể thực thi phân loại, thu gom, tái chế, theo dõi số liệu và báo cáo giải trình. Bản thân các chuỗi bán lẻ vì sợ trách nhiệm cũng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm trong nước để tránh thực thi EPR, đặt gánh nặng cuối cùng lên người tiêu dùng vì có ít lựa chọn hàng hoá và chịu chi phí cao.
Mặc dù dự thảo có đặt ra ngoại lệ về trách nhiệm EPR và hàm lượng tái chế cho các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu trước thuế dưới 5 triệu CAD hoặc sử dụng dưới 10 tấn bao bì nhựa tại thị trường Canada. Tuy nhiên, ngoại lệ này không rõ về việc thời hạn miễn này là vĩnh viễn? Liệu ngoại lệ này có áp dụng cho nhà sản xuất nước ngoài không. Thực tế là kể cả khi các doanh nghiệp nhỏ được miễn EPR nhưng vẫn bị yêu cầu nộp báo cáo về lượng nhựa đưa vào thị trường cũng đã làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Dự thảo quy định các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường sẽ bị yêu cầu đánh giá về khả năng phân huỷ/tái chế tại từng tỉnh bang nơi mà sản phẩm đó được bán. Ví dụ hiện nay đưa ra là các sản phẩm: bao bì và sản phẩm nhựa PET dùng một lần; bao bì không thể phân loại thông thường (Ví dụ bao bì có nhiều lớp nhựa, giấy, màng nhôm…); các sản phẩm này có các quy trình/khả năng tái chế khác nhau và sẽ phải ghi rõ quy định đối với từng bộ phận (nắp không tái chế, thân vỏ tái chế…). Dự thảo cũng đặt ra quy định về việc ghi nhãn phụ, mã QR code và trách nhiệm báo cáo hàm lượng tái chế (báo cáo tổng lượng nhựa sử dụng và nhựa tái chế đối với bao bì mềm), trách nhiệm lưu giữ thông tin báo cáo, quy định sản phẩm sử dụng hàm lượng tái chế phải do bên thứ ba kiểm định và xác nhận…, các quy định này đặt ra khó khăn cho cả bên được uỷ quyền nộp báo cáo (nhà nhập khẩu) lẫn tăng chi phí cho bên uỷ quyền (nhà sản xuất, nhà xuất khẩu). Thương vụ đã đề xuất Hiệp hội nêu các câu hỏi này để các nhà lập pháp Canada giải đáp hoặc có cách tiếp cận hợp lý hơn, tránh các chi phí không cần thiết cho cả người sản xuất và tiêu dùng.
Nhìn chung, theo đánh giá của Thương vụ, ở thời điểm hiện nay, các quy định trong dự thảo đang là những rào cản “phi thuế quan” bất lợi cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, nhất là các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam do khó có khả năng triển khai hoặc uỷ quyền triển khai thực hiện EPR. Về phía các nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ Canada, có nhiều khả năng vì ngại ràng buộc trách nhiệm, sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Canada hoặc các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia do dễ thương lượng về EPR. Ngoài việc đội chi phí với việc thiết kế lại bao bì để tuân thủ quy định ghi nhãn và hàm lượng tái chế, quy định của Canada còn làm nảy sinh nhiều chi phí khác liên quan đến việc kiểm định hàm lượng tái chế; chi phí theo dõi tính toán số liệu để lập báo cáo hoặc uỷ quyền báo cáo; chi phí thực thi EPR; chi phí xây dựng QR code… Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần theo dõi kỹ các quy định không chỉ của Canada mà sắp tới của các nước công nghiệp phát triển liên quan vì chắc chắn việc kiểm soát rác thải nhựa và tiến tới không còn rác thải nhựa sẽ là xu hướng chung. Trong quy trình sản xuất hiện nay và quy trình thiết kế bao bì mới, các doanh nghiệp cần chú ý lưu trữ hồ sơ để đảm bảo cung cấp khi nhà nhập khẩu yêu cầu: 1. Trọng lượng nhựa bao bì (ngoài trọng lượng sản phẩm); 2. Loại nhựa resin sử dụng; 3. Hàm lượng nhựa tái chế nếu có… Để có chiến lược xuất khẩu dài hạn (hầu hết các quy định bắt đầu có hiệu lực đầy đủ vào năm 2030, các doanh nghiệp cần chuẩn bị xây dựng chiến lược thiết kế bao bì và ghi nhãn phù hợp với các quy định mới (nhất là về quy định tái chế và hướng dẫn tái chế, mã QR code hướng dẫn phân loại rác thải và tái chế…), chiến lược sử dụng nhựa tái chế trong sản phẩm nhựa và xây dựng các cơ chế phối hợp uỷ quyền nộp báo cáo và thực thi EPR/uỷ quyền kiểm định giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam với một đối tác được uỷ quyền chung tại Canada để giảm chi phí…