Ngày 31/5/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng tôn màu với 8 mã HS nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/ vùng lãnh thổ khác nhau chi tiết nêu trong thông báo gửi kèm.
Cụ thể, các mã HS được áp dụng biện pháp tự vệ gồm 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212 4090, 7225.9990, 7226.9919 và 7226.9999.
Quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký. Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ được thực hiện theo pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ sở để áp dụng các biện pháp tự vệ chính thức là việc nhập khẩu mặt hàng tôn màu đã tăng mạnh nhưng năm qua và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Lượng nhập khẩu tăng từ 130,8 nghìn tấn năm 2013 lên 590,7 nghìn tấn năm 2016.
Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức bằng hạn ngạch thuế quan đối với tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam trong vòng 3 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ có hiệu lực.
Trong năm đầu tiên (từ 15/6/2017 đến 14/6/2018), tổng hạn ngạch không chịu thuế tự vệ là 380,68 nghìn tấn. Lượng tôn màu được áp dụng mức thuế tự vệ 0% tăng lên 418,75 nghìn tấn khi sang năm thứ hai và tăng lên 460,62 nghìn tấn trong năm cuối. Mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch được áp dụng là 19%.
Lượng hạn ngạch nhập khẩu không chịu thuế tự vệ khác nhau giữa hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia/ vùng lãnh thổ khác nhau.

Trước đó, vào ngày 30/3/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam với 26 mã HS có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc (mã vụ việc AD02). Biện pháp chống bán phá giá chính thức được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung.
Theo pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam, các biện pháp tự vệ bao gồm tăng mức thuế nhập khẩu; áp dụng hạn ngạch nhập khẩu hoặc áp dụng các biện pháp khác do Chính phủ quy định.

Thời hạn áp dụng các biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, là không quá 4 năm. Thời hạn áp dụng các biện pháp tự vệ có thể được gia hạn một lần không quá 6 năm tiếp theo, với điều kiện vẫn còn thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và có các bằng chứng chứng minh rằng ngành sản xuất đó đang điều chỉnh để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nguồn: Thanh Thủy/ndh.vn