Nghị định số 100/2016/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 209/2013/NÐ-CP quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa; và Nghị định số 122/2016/NÐ-CP quy định: Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là hai quy định ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh xi-măng trong bối cảnh cung vượt cầu hiện nay vì sản phẩm xi-măng thuộc diện đối tượng điều chỉnh của hai Nghị định này, khiến chi phí xuất khẩu tăng từ 4,5 USD đến 7,5 USD/tấn sản phẩm.

Thực tế hiện nay, xuất khẩu xi măng và clanh-ke ngày càng cạnh tranh khốc liệt trước sự dư thừa của Thái-lan và Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên khoáng sản, nhưng đã tham gia xuất khẩu sản phẩm xi măng liên tục từ năm 1980 đến nay với khối lượng khá lớn, trên dưới 10 triệu tấn/năm và hiện nay đang là nước cạnh tranh thắng thế với các nước ASEAN trong xuất khẩu xi-măng vào các thị trường khó tính như: Xin-ga-po và Bru-nây. Bên cạnh đó, một số nước trong ASEAN trước đây chuyên nhập khẩu xi-măng, cũng đang tiếp tục đầu tư phát triển xi-măng như In-đô-nê-xi-a và hiện nay đã vươn lên xuất khẩu khoảng ba triệu tấn trong năm 2017.

Năm 2016 đánh dấu sự sụt giảm cả về giá cả và số lượng xuất khẩu, do vậy, nhiều quốc gia lo ngại việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế với ngành xi-măng theo hai Nghị định nêu trên vừa làm tăng chi phí xuất khẩu, vốn đã cao hơn một số nước và có thể làm giảm sức cạnh tranh của xi-măng và đây là giải pháp các nước trên thế giới không áp dụng.

Có thể thấy áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và phức tạp, trong khi đó các doanh nghiệp xi-măng Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung tối đa cho tiêu thụ trong nước. Xi-măng Việt Nam sau nhiều thập kỷ luôn trong tình trạng phải nhập khẩu, nhờ sự chỉ đạo tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực của các doanh nghiệp mới vươn lên từng bước thâm nhập thị trường thế giới. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 35 triệu tấn xi-măng và còn tiếp tục tăng thêm. Vì vậy, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xi-măng bắt buộc phải nhìn nhận lại công tác xuất khẩu một cách nghiêm túc hơn, tăng cường tính liên kết. Ðồng thời, các chính sách thuế đối với sản phẩm xi-măng cần nghiên cứu kỹ mức độ và lộ trình áp dụng hợp lý để đạt mục tiêu tiết kiệm tài nguyên và tăng thu ngân sách.

Các chuyên gia cho rằng, nên sử dụng giải pháp khác theo từng tấn sản phẩm thay vì áp dụng chính sách thuế về xi-măng theo hai Nghị định nêu trên. Bên cạnh đó, cần làm rõ tư duy xuất khẩu xi-măng, clanh-ke không phải là xuất khẩu tài nguyên thô mà là công nghệ chế biến sâu, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại từ các nước công nghiệp phát triển và giá trị gia tăng do chế biến rất lớn.

Nguồn: nhanhdan.com.vn