Theo Nghị định này, Điều 7 quy định về trình tự phê duyệt vị trí việc làm gồm:
1. Các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương) căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định này và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này để thẩm định.
2. Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương tiếp nhận hồ sơ, thẩm định đề án vị trí việc làm, tổng hợp vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 13 quy định việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức gồm 2 trường hợp: cơ quan, tổ chức có sự thay đổi về vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí, thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao, mức độ hiện đại hóa về thiết bị, phương tiện làm việc, quy mô dân số, diện tích tự nhiên…; thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện.
Hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức bao gồm văn bản đề nghị điều chỉnh biên chế công chức, đề án điều chỉnh biên chế công chức và các tài liệu liên quan. Trường hợp điều chỉnh tăng biên chế công chức hoặc chuyển biên chế giữa các bộ, ngành, địa phương thì hồ sơ được gửi về Bộ Nội vụ để thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc điều chuyển biên chế công chức giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ quan, tổ chức do Bộ Nội vụ quyết định và báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ.
Xem chi tiết Nghị định 62/2020/NĐ-CP tại đây.

Nguồn: VITIC