Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 492 về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Văn bản nêu rõ hiện nay, một số loại trái cây như sầu riêng, mít, vải, thanh long… đang vào vụ thu hoạch, các phương tiện đường bộ chở hoa quả và nông sản xuất khẩu từ các địa phương sẽ tiếp tục dồn về các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc, nguy cơ xảy ra tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu.
Điều này có thể gia tăng chi phí, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường tại khu vực một số cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao, NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các quy định về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Từ đó, tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng, phối hợp với cơ quan chức năng của nước Bạn để đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian và hiệu suất thông quan, không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Chủ tịch UBND các tỉnh có cửa khẩu tại khu vực biên giới phía Bắc cần nắm bắt, dự báo và thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về tình hình lưu thông, tập trung, điều tiết hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu nhằm hạn chế ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để trục lợi.
Với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ NN&PTNT, Ngoại giao, Giao thông vận tải… triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng nông sản xuất khẩu (đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không…).
Với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Thủ tướng yêu cầu tích cực đàm phán thúc đẩy mở cửa thị trường, nhất là thị trường chính ngạch, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng các loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; đồng thời đàm phán với phía Bạn để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp, bảo đảm đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chỉ dẫn địa lý về nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam...