Trong giai đoạn nửa cuối tháng 7, đã có vài lần VN Index tiệm cận ngưỡng 640 điểm nhưng đều không thể vượt lên và sau đó là một loạt phiên điều chỉnh giảm. Ngày 21-8 vừa qua, đã có lúc chỉ số này mất đến 24 điểm, xuống gần mốc 540 điểm. Như vậy chỉ trong khoảng 1 tháng, VN Index đã giảm 100 điểm, tương ứng khoảng 15% so với đỉnh ngắn hạn.

Khối ngoại bán ròng

Từ 13-8 đến 21-8, NĐTNN đã bán ròng 7 phiên liên tiếp tại HOSE, còn nếu thống kê trong khoảng 20 phiên gần nhất, số phiên bán ròng của khối này cũng đã lên đến 11 phiên. Phiên 21-8 có thể xem là phiên “đại hạ giá” (sale off), nhưng lại là phiên khối ngoại xả hàng mạnh nhất với giá trị bán ra xấp xỉ 625 tỷ đồng, trong khi chỉ mua vào 325 tỷ đồng, giá trị bán ròng lên đến 300 tỷ đồng, xấp xỉ 13,3 triệu USD.

10 phiên gần nhất, GAS giảm đến 9 phiên, từ mức 5.8 chỉ còn 4.3, giá trị vốn hóa tương ứng cũng bốc hơi hơn 28.000 tỷ đồng. 1 năm trước, khi PVS vượt ngưỡng 4.0, ít ai có thể nghĩ đến viễn cảnh có ngày CP này giảm xuống dưới 2.0, nhưng điều đó đã xảy ra vào cuối tuần rồi khi PVS đóng cửa tại mức 19.900 đồng/CP.

So với mức giá đỉnh tạo ra hồi đầu tháng 7, VCB hiện giờ đã giảm khoảng 22%, những phiên điều chỉnh trong khoảng thời gian tương tự cũng đã diễn ra với BID, giảm khoảng 16%, CTG giảm khoảng 18%...

Qua những số liệu kể trên, sẽ không quá khó để chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp khiến TTCK điều chỉnh mạnh trong thời gian qua: NĐTNN bán ròng; 2 dòng CP trụ cột chính là dầu khí và ngân hàng (NH) cùng giảm. Cần nhấn mạnh, quý IV-2014 TTCK cũng có những phiên điều chỉnh rất mạnh, nhưng khi đó áp lực chỉ đến từ nhóm CP dầu khí, trong khi vai trò dẫn dắt của NH chưa được định hình như bây giờ, sức ép từ 1 trụ đã chuyển thành 2.

Động thái bán ròng của NĐTNN cũng có phần bất ngờ, vì tưởng chừng khi giá rẻ khối này sẽ mua, nhưng phiên 21-8 lại xả mạnh. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho đợt điều chỉnh này của TTCK, đầu tiên là những diễn biến khá bất ngờ liên quan đến vấn đề tỷ giá, kế tiếp là giá dầu thế giới lại giảm (giảm 6,2% về sát ngưỡng 40USD/thùng trong tuần rồi) và cuối cùng là những tin đồn. Nhưng một nguyên nhân quan trọng nữa cần phải nhắc đến, đó là xu hướng giảm của thị trường đã hình thành. Cần nhấn mạnh, xu hướng giảm có thể là hệ quả của một loạt tác nhân đến từ thông tin, cung-cầu…

Nhưng xu hướng giảm cũng có thể biến thành nguyên nhân để tạo ra một loạt hệ quả khác. Mỗi khi thị trường giảm, dường như tin xấu, tin đồn cứ đến dồn dập. Và quan trọng hơn, khi xu hướng giảm đã xuất hiện, thị trường sẽ khó lòng cưỡng lại. Cũng chính vì điều này, nên để xác định được thị trường đã tạo đáy hay chưa và liệu giảm 100 điểm có là quá nhiều hay không cũng cần xem xét lại dữ liệu lịch sử trong những đợt giảm mạnh trước đây.

Cần giữ vững tâm lý


Về mặt tâm lý, dù thị trường đã giảm trong khoảng 1 tháng qua, nhưng các NĐT vẫn khá vững vàng bởi lẽ xu hướng điều chỉnh phần nào đã được dự báo. Chẳng hạn, khi CP NH tăng quá mạnh trong thời gian ngắn, việc điều chỉnh mạnh tương ứng là tất yếu; CP dầu khí giảm giá cũng không còn sốc như trước bởi độ hot của CP này đã giảm dần từ năm ngoái. Mặt khác, vẫn có những CP đi ngược thị trường, hoặc một số blue chip giảm ít, nhưng khi có cơ hội lại bật mạnh tạo ra cơ hội cho NĐT trong lúc gian nan nên duy trì được kỳ vọng.

Nhìn vào phiên 21-8, có lúc VN Index giảm đến 24 điểm (-4%) chắc sẽ có người cảm thấy choáng váng. Nhưng lực mua bắt đáy đã xuất hiện khá mạnh mẽ để cứu sàn cho một số CP và kết phiên chỉ số này chỉ còn giảm hơn 10 điểm, đây là một điều tương đối khả quan. Bắt đầu, xuất hiện những sự tiếc nuối từ phía những người giữ tiền khi vì một chút thận trọng mà bỏ lỡ cơ hội mua giá sàn trong phiên.

Nói vậy để thấy, tâm lý vững đã góp phần đáng kể để giảm đi bi kịch trong những phiên điều chỉnh của TTCK. Nhưng cần nhớ rằng, hiếm khi một đợt điều chỉnh diễn ra không có yếu tố bất ngờ. Chừng chục ngày trước, ai cũng nghĩ VN Index điều chỉnh xuống 600 điểm là đáy, thậm chí 580 điểm là “quá đáng”, nhưng thực tế hiện giờ là 550 điểm.

Vậy khi 550 điểm nhìn có vẻ vững, vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng chỉ số này có vững thực sự hay không trước những yếu tố bất ngờ có thể xuất hiện. Tuần rồi các tin đồn lại được dịp tung hoành trên TTCK, tác dụng dễ thấy nhất là nó tạo ra một cái cớ hợp lý cho TTCK giảm.

Chẳng hạn, NĐT nghe tin đồn dính dáng đến CP, chưa cần biết đúng sai, chỉ cần thấy CP giảm là bán cho chắc. Và thông thường, có khi thị trường giảm chỉ vì đang trong một xu hướng giảm, nhưng thường NĐT sẽ có xu hướng muốn tìm hiểu một nguyên nhân nào đó để làm cơ sở, hoặc trong lúc tâm lý dễ bị dao động, cần cái gì đó để bám víu.

Điều cuối cùng cần nói đến là thường đáy của thị trường chỉ được xác lập khi tâm lý bi quan được đẩy lên cao độ, chẳng hạn như: những lời than vãn về chuyện thua lỗ, chán nản của dân CK xuất hiện trên các trang mạng dày đặc; những phiên giảm xuất hiện khi không ai ngờ đến, tưởng như thị trường sẽ còn rớt sâu, sâu hơn nữa.

Tất nhiên, TTCK mỗi thời điểm mỗi khác, và trong lần điều chỉnh này, nếu lạc quan hơn có thể đặt ra một kịch bản là sức mua duy trì, tâm lý vững vàng của NĐT sẽ nhanh chóng đưa thị trường trở lại trạng thái ổn định. CK vẫn luôn tồn tại những sự bất ngờ, bất ngờ là vẻ đẹp nhưng cũng vô cùng tàn nhẫn.

Theo Diệu Khanh
Sài gòn đầu tư

Nguồn: Sài gòn đầu tư