Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư sáng nay, Tập đoàn Hòa Phát công bố KQKD quý 3 lãi sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 20.600 tỷ, LNST đạt gần 3.000 tỷ, đạt hơn 90% kế hoạch năm. Nhiều khả năng năm nay Hòa Phát sẽ vượt kế hoạch lợi nhuân năm.

Khi được một nhà đầu tư hỏi về việc đánh giá cổ phiếu Hòa Phát có thấp hơn so với tiềm năng hay không, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng nếu ông tự đánh giá sẽ không khách quan. Tuy nhiên ông Long cho rằng, thời gian tới ông “chắc chắn sẽ mua thêm” cổ phiếu HPG, “khi nào có tiền chia lãi của tập đoàn sẽ mua tiếp”.

Tháng 7.2015, ông Long đã hoàn tất việc mua vào 10 triệu cổ phiếu Hòa Phát, nâng số lượng nắm giữ lên 184.327.120 cổ phiếu HPG, chiếm 25,15% vốn điều lệ Tập đoàn. Tính chung những người có liên quan, gia đình ông Long hiện đang nắm giữ 238.149.932 cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ 32,49% vốn điều lệ tập đoàn. Ông Long cho rằng, từ năm 2007 tới nay ông chưa hề bán cổ phiếu HPG và lãnh đạo tập đoàn cũng không có chính sách làm giá cổ phiếu.

Về việc các quỹ liên tục bán ra cổ phiếu HPG thời gian này, ông Long cho rằng "việc bán của một vài quỹ là rất bình thường vì họ cần phải hiện thực hóa lợi nhuận".

Đánh giá về thị trường thép thời gian tới, ông Long chia sẻ “chưa bao giờ ngành mỏ thê thảm như năm nay”. Hiện chỉ còn 3-4 doanh nghiệp quặng trên thế giới có lãi, còn lại đều đóng cửa hết. Riêng với ngành sản xuất quặng ở Việt Nam, ông Long cũng dùng tính từ “thê thảm” là từ chính xác nhất. Giá quặng sắt liên tục giảm do đó doanh số năm 2016 có thể giảm nhưng chủ trương của Hòa Phát vẫn sẽ tiếp tục giữ thị phần.

Riêng với quặng sắt, thời điểm 2010-2012 khi giá quặng lên đến 180 - 200 USD/tấn, nhà nhà đi đầu tư quặng, 4 công ty đầu tư quặng lớn trên thế giới họ đầu tư rất lớn, do đó trong năm 2015-2017 tổng công suất sản lượng các mỏ mới có thể lên tới 300 triệu tấn càng gây áp lực lên nguồn cung quặng.  Ngoài ra, nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc giảm, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu ra bên ngoài và sử dụng các biện pháp như cho thêm crom vào thép để hưởng lãi suất thuế 0% cũng đánh mạnh vào thị trường thép trong nước.

Về ngành chăn nuôi, Hòa Phát đang định mua lại 2 công ty nhà nước ở Tây Nguyên để phát triển ngành chăn nuôi, theo ông Long đây là một trong các bước đi của Hòa Phát trong lĩnh vực này tuy nhiên ông Long từ chối trả lời cụ thể về thương vụ này.


Rất nhiều câu hỏi của nhà đầu tư về việc khi Việt Nam gia nhập TPP thì ngành chăn nuôi sẽ là ngành chịu rủi ro nhiều nhất, song ông Long gửi đến nhà đầu tư thông điệp “hãy tin tưởng chúng tôi” và cho rằng các chính sách của Hòa Phát luôn đi theo hướng “chậm mà chắc. Mảng thức ăn chăn nuôi vẫn đang đúng kế hoạch, thị trường phản hồi tương đối tốt về thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát, về mảng chăn nuôi Hòa Phát vẫn đang đi tìm đất. Hiện 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 500.000 tấn/năm đang được xây dựng tại Hưng Yên và Đồng Nai.

Quan điểm của ông Long cho rằng cho dù thị trường khó khăn nhưng nếu mình làm tốt vẫn có cơ hội, “dễ làm cạnh tranh khủng khiếp, khó làm thì tỷ suất lợi nhuận cao”.

Hoàng Ly