Sáng nay Tập đoàn Hòa Phát tổ chức gặp mặt nhà đầu tư quý 3/2015. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hòa Phát công bố doanh thu 9 tháng của tập đoàn đạt 20.616 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn đạt 2.938 tỷ đồng, như vậy so với kế hoạch năm 3.250 tỷ đồng, Hòa Phát đã hoàn thành 90,4% kế hoạch năm.

Trong quý 3, Hòa Phát đạt doanh thu 6.948 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn, kết quả kinh doanh quý 3 của Hòa Phát như vậy tương đối tốt so với hàng năm do quý 3 rơi vào mùa mưa và có tháng ngâu.

Theo ông Long, nguyên nhân khiến lợi nhuận của Hòa Phát đạt khả quan trong quý 3 là nhờ nền kinh tế phát triển, lĩnh vực bất động sản khởi sắc trên cơ sở đó sau rất nhiều năm nhu cầu trong lĩnh vực sắt thép tăng trưởng cao.

Ngoài ra, công suất thép của Hòa Phát lớn, lượng sản xuất ổn định, mảng thép xây dựng đạt 22% thị phần.

Về tình hình tiêu thụ thép

Mảng thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ thép 9 tháng đầu năm của Hòa Phát đạt hơn 1 triệu tấn, đạt 85% kế hoạch bán hàng năm 2015, tăng 48% so với 9 tháng đầu năm 2014.

Sản lượng sản xuất đạt hơn 1 tiệu tấn, thị phần đạt 21,7%, tăng 2,7% so với đầu năm.

Mảng ống thép sản xuất ổn định, tăng trưởng hơn 35%, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 300.000 tấn, đạt 78% kế hoạch bán hàng năm 2015, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần đạt 23%.

Mảng than cốc, hiện vẫn đang sản xuất 100% công suất, 75% sản lượng coke được cung cấp cho nhà máy thép Hòa Phát, 25% bán trong nước và xuất khẩu.

Mảng BĐS đóng góp khoảng 5% lợi nhuận, mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp vượt kế hoạch, mảng thức ăn chăn nuôi ghi nhận 500 tỷ vào doanh thu, đây là doanh thu từ mảng thương mại nhập thức ăn gia súc.

Tỷ suất lợi nhuận ròng quý 3 của Hòa Phát đạt khoảng 14%-15%.

Tỷ suất lợi nhuận ngành ống thép của Hòa Phát ở mức cao so với ngành, bình quân mỗi tháng bán 30.000 tấn.

Về mảng thức ăn gia súc, theo ông Long, công ty thức ăn gia súc của Hòa Phát, mảng kinh doanh nguyên liệu đã vươn lên thứ nhì trên thị trường.

“Dễ làm cạnh tranh khủng khiếp, khó làm thì tỷ suất lợi nhuận cao"

Hòa Phát đang xây dựng kế hoạch năm 2016, theo ông Long với đà giảm của nguyên liệu quặng sắt, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn, chủ trương của Hòa Phát năm 2016 sẽ tiếp tục giữ vững thị phần, doanh số có thể suy giảm do giá bán rẻ đi, đầu năm 2015 giá sắt 14 triệu đồng/tấn, hiện nay chỉ còn hơn 9 triệu/tấn.

Theo ông Long, toàn bộ ngành thép Trung Quốc đang thừa công suất và khó khăn, nên Trung Quốc xuất khẩu thép sang Việt Nam rất nhiều, đó là một áp lực lớn đối với toàn bộ ngành thép Việt Nam. Về quan điểm ngành thép Trung Quốc đã chạm đáy chưa, theo ông Long, một đại diện của ngành thép Trung Quốc cho biết nhiều nhà máy thép Trung Quốc lỗ hàng chục triệu USD/tháng, dự kiến Trung Quốc sẽ xuất khẩu ra ngoài 100 triệu tấn.

Về thép hợp kim, bản chất là gian lận thương mại, thuế nhập khẩu phôi 9% nhưng Trung Quốc cho thành phần crom vào thuế nhập khẩu về 0%, điều này ảnh hưởng đến toàn bộ ngành sản xuất phôi thép của Việt Nam. Nếu Chính phủ các ban ngành không có các biện pháp sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất phôi thép thượng nguồn của Việt Nam. Quan điểm của Hòa Phát là cạnh tranh công bằng sòng phẳng.

Hiện nay theo chu kỳ Giá hàng hóa trên thế giới đang giảm, nằm trong quy luật Hòa Phát khó thoát khỏi việc khó khăn. Ông Long cho rằng sang năm 2016 các công ty sản xuất dựa trên nguyên liệu cơ bản tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm. 

Về câu hỏi nếu doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào giảm thì tại sao lại bất lợi? Ông Long chia sẻ cho biết trong ngành sản xuất thép khi giá nguyên liệu cơ bản xuống giá hàng hóa xuống theo, vì áp lực Trung Quốc, tốc độ giảm giá của hàng hóa nhanh hơn tốc độ giảm của nguyên liệu, vấn đề của ngành sản xuất hàng hóa cơ bản có độ trễ (hàng tồn kho). Ví dụ hôm nay quặng sắt 55 USD nhưng tồn kho của nhiều doanh nghiệp 70-75 USD/tấn, nhập khẩu phế liệu 4 triệu/tấn nhưng 4 tháng nữa hàng mới về còn hôm nay vẫn phải dùng hàng 5 triệu/tấn. 

Về mảng bất động sản, Hòa Phát không mở rộng mảng bất động sản, chỉ tập trung vào mảng khu công nghiệp.

Về việc Việt Nam gia nhập TPP, lĩnh vực hưởng lợi TPP là dệt may, thủy sản xuất khẩu, mảng chăn nuôi rủi ro tại sao Hòa Phát lại tham gia. Theo ông Long, trong khó khăn có những cơ hội, về dài hạn Hòa Phát sẽ tập trung vào mảng thép, chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Ông Long tin tưởng sẽ thành công trong các lĩnh vực này.

Về cổ tức, năm nay Hòa Phát đã tăng tỷ lệ cổ tức từ 20% lên 30%, trả lời câu hỏi của nhà đầu tư với khả năng vượt kế hoạch năm việc tăng cổ tức nữa hay không, ông Long cho rằng việc này phải dựa vào kết qủa cuối năm và dựa dựa trên nhu cầu về vốn trong các năm tiếp theo. Nếu năm 2016 sẽ tiếp tục đầu tư mới nhu cầu về vốn cao sẽ chia nhiều cổ tức bằng cổ phiếu, nếu không có nhu cầu về vốn thì sẽ chia bằng tiền mặt. Ông Long chia sẻ, các nhà đầu tư cá nhân luôn mong được chia bằng tiền mặt, nhưng ông Long cũng tự hào cho rằng “Anh Hưng SSI đã bảo tôi không  1 quỹ nước ngoài vào đây mà không mua cổ phiếu Hòa Phát”.

Về mảng thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát đã tìm hiểu rất kỹ, ông Long cho rằng khi Việt Nam vào TPP, mảng chăn nuôi có nhiều yếu thế, nhưng nếu mình làm tốt vẫn có cơ hội, “dễ làm cạnh tranh khủng khiếp, khó làm thì tỷ suất lợi nhuận cao”. Mảng thức ăn chăn nuôi vẫn đang đúng kế hoạch, thị trường phản hồi tương đối tốt về thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát, về mảng chăn nuôi Hòa Phát vẫn đang đi tìm đất. Hiện 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 500.000 tấn/năm đang được xây dựng tại Hưng Yên và Đồng Nai.

Về việc chăn nuôi heo, việc xin đất lập trại heo rất khó khăn. 

Hoàng Ly