Phiên giao dịch 24/8/2015 sẽ được đánh dấu đen trên bản đồ của Vn-Index khi mức giảm có lúc lên tới gần 6% (5,89%, tương đương giảm 32,75 điểm), đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index giảm 29,37 điểm, xuống 526,93 điểm trong khi HNX-Index giảm 5,81% xuống 73,09 điểm, HNX30-Index giảm 7,1%.
Phiên giao dịch hôm nay cũng được cho là dấu chấm hết cho mọi thành quả của Vn-Index trong 8 tháng đầu năm 2015 khi VN-Index đã mất 114 điểm (-17,78%) chỉ trong 1 tháng (tính từ ngày VN-Index đạt đỉnh 641 điểm vào ngày 15/7/2015).
Các ngưỡng kháng cự trung hạn của Vn-Index đều bị phá vỡ chỉ trong vòng 1 phiên, mặc dù cầu bắt đáy phiên này khá cao (giao dịch sàn HoSE hơn 3.100 tỷ, sàn Hà Nội gần 700 tỷ) nhưng mọi nỗ lực bắt đáy của nhà đầu tư gần như vô vọng khi 200 mã giảm sàn cuối phiên trong đó có rất nhiều trụ cột của thị trường như GAS, BVH, HPG, PVD (trắng bảng bên mua), nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, ACB mặc dù cầu bắt đáy của khối ngoại khá lớn song cuối phiên vẫn giảm sàn.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với các chuyên gia trong ngành về lý do thị trường giảm, hầu hết đều né tránh câu trả lời. Họ ngại phát biểu trong giai đoạn nhạy cảm này!
Quá nhiều lí do để đưa ra về việc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu giai đoạn này như tin đồn bắt bớ, phá giá nhân dân tệ, phá giá VND, ETF bị rút vốn, giá dầu mất mốc 40USD/thùng, thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo...(xem thêm: Vì đâu chứng khoán vỡ trận ngày 24/8)
|
Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thị trường chứng khoán toàn cầu
|
Tuy nhiên lực bán quyết liệt này đến từ đâu?
Đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đến từ lệnh giải chấp từ các CTCK. Một số môi giới tại các CTCK lớn đã xác nhận chiều nay một số tài khoản đã bị giải chấp, và có lệnh MP xuất hiện trên thị trường để nhà đầu tư “chạy cho nhanh”.
Trong khi đó, trao đổi riêng với chúng tôi, lãnh đạo một quỹ đầu tư chứng khoán lớn trên thị trường cho biết phiên này quỹ của ông bắt đầu mua vào, và khối ngoại cũng đã quay trở lại mua ròng 186 tỷ trên hai sàn sau 6 phiên bán ròng liên tiếp. Họ mua vào các cổ phiếu ngân hàng và các trụ cột của thị trường như HPG, BIDV, VCB, CTG…trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ thi nhau tháo chạy.
|
Cũng cần phải để ý rằng, thanh khoản trên sàn HoSe ngày hôm nay cao nhất trong 1 tháng qua (kể từ ngày 8/7/2015).
|
Cần phải có các sản phẩm để ngăn ngừa rủi ro
Chiều nay, tại hội thảo giới thiệu về Thị trường chứng khoán phái sinh do UBCK và BIDV tổ chức, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long đã phát biểu rằng do thị trường chứng khoán của chúng ta hiện có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư theo phong trào nên cần thúc đẩy lực lượng nhà đầu tư tổ chức đầu tư theo giá trị. Vì khi có nhà đầu tư theo giá trị thì thị trường mới phát triển lành mạnh và bền vững hơn, việc phát triển nhà đầu tư tổ chức cũng nằm trong mục tiêu phát triển của UBCK thời gian tới.
Ông Long cũng cho biết thêm, sắp tới đây khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động (dự kiến năm 2016), NĐT cá nhân sẽ có các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
Ông Long cũng cho rằng, thị trường ở bất kỳ thời điểm nào bao giờ cũng có giao dịch và các nhà đầu tư có cái nhìn khác nhau về thị trường. Có thể nhà đầu tư này thấy rủi ro và đặt bán nhưng sẽ có các nhà đầu tư khác cho rằng đó là cơ hội và đặt mua. Vấn đề là chúng ta phải cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư và với thị trường càng biến động như thế này càng phải có các sản phẩm phái sinh để nhà đầu tư có các công cụ bù đắp thiệt hại cho thị trường cơ sở. Ông Long cho thị trường phái sinh là “mặt thứ 2 của đồng xu” để đảm bảo trọn vẹn lòng tin của nhà đầu tư với thị trường.
Hiện tại, hầu hết các CTCK đều đưa ra cái nhìn bi quan về thị trường.
Phương Mai