Hai sàn mới giao dịch khớp lệnh được 778,6 tỷ đồng, giảm 20 so với sáng hôm qua. Cũng không còn các thỏa thuận lớn, giá trị giao dịch chung cũng chỉ khoảng 930 tỷ đồng. Đây là phiên khớp lệnh sáng dưới 800 tỷ đồng thứ 4 kể từ đầu tháng 10, tức là mức thấp đột biến.

Mặc dù thanh khoản rất kém nhưng thị trường giao dịch khá tốt nhìn từ giá. VN-Index tăng 0,6% chủ yếu nhờ các cổ phiếu lớn, còn độ rộng bình thường: 93 mã tăng/84 mã giảm. Mấu chốt nằm ở rổ VN30, có 14 mã tăng/7 mã giảm và chỉ số này tăng 0,44%.

Mặc dù số cổ phiếu tăng giá ở rổ VN30 gấp đôi số giảm, nhưng cũng rất ít cổ phiếu tăng thực sự mạnh. May mắn là tác động lớn nhất lại đến từ các trụ lớn nhất: VNM tăng 0,8%, VCB tăng 0,94%, VIC tăng 0,48%, MSN tăng 1,47%, BVH tăng 0,97%, CTG tăng 0,54%. Ngoài ra còn phải kể đến GAS tăng 0,82%, BID tăng 2,42%.

Các cổ phiếu này tăng làm hai đợt chính, đợt đầu là những phút đầu giờ mở cửa, đẩy điểm số tăng ngay từ đầu phiên. Sau đó thị trường chung lẫn các trụ trải qua một nhịp bán ngắn hạn khá mạnh, đẩy VN30-Index rơi xuống dưới cả tham chiếu. Nhịp tăng thứ hai từ sau 10h30 với các trụ lớn phục hồi mạnh. VN-Index tăng vọt lên cao nhất 570,86 điểm.

Tuy nhiên có thể thấy sự biến thiên của độ rộng thị trường không tương xứng với biến động của điểm số. Phần lớn cổ phiếu vẫn trung tính hoặc giảm. Động lực chính của đợt tăng hiện tại xuất phát từ các blue-chips.

Ngay bản thân thanh khoản chung lẫn thanh khoản của riêng các blue-chips cũng chỉ ở mức thấp. HSX giao dịch 622,4 tỷ đồng, giảm 21% so với sáng hôm qua, VN30 giao dịch 234,4 tỷ, giảm tới gần 40%.

Blue-chips tạo thanh khoản lớn nhất sáng nay là VNM, cũng mới khớp lệnh được chưa tới 30,6 tỷ đồng. BID, blue-chips mạnh nhất cũng mới giao dịch 20,5 tỷ đồng. HSX vẫn phải nhờ cậy tới các cổ phiếu vừa và nhỏ như BHS, SBT, FLC, ASM để tạo thanh khoản, mặc dù các mã này không tăng được.

Sàn Hà Nội cũng có sự trái ngược tương tự: Thị trường chung rất kém với HNX-Index chỉ tăng 0,1% nhưng HNX30 tăng 0,63%. Cũng giống HSX, độ rộng của HNX nói chung chỉ có 64 mã tăng/76 mã giảm nhưng HNX30 có 13 mã tăng/6 mã giảm.

Động lực chính của HNX là các mã dầu khí và chứng khoán, trong đó PVS quan trọng nhất, tăng 1,79%, PVC tăng 3,9%, PVB tăng 1,85%, VND tăng 2,61%, KLS tăng 1,56%.

Thanh khoản sàn này còn đáng ngại hơn, HNX30 mới giao dịch 53,8 tỷ đồng, chưa bằng VNM và BHS cộng lại.

Các cổ phiếu blue-chips tạo được xương sống cho thị trường sáng nay chủ yếu do sự ổn định cung cầu. Có thể thấy điều này ngay từ độ rộng của mỗi rổ, cũng như vai trò của các cổ phiếu trụ. Thanh khoản duy trì ở mức quá kém cho thấy nhà đầu tư vẫn đang lo ngại áp lực bán ra ngắn hạn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại sáng nay mua rất nhẹ, mới giải ngân 39,8 tỷ đồng ở HSX. PVD là mã duy nhất được mua quá 5 tỷ đồng. Điều quan trọng nhất là khối ngoại bán ra ở mức độ nào.

Theo: Lan Ngọc

Vneconomy

Nguồn: vneconomy