Sau nhịp điều chỉnh trong quý III trước sự bùng phát của làn sóng COVID-19 lần thứ tư, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) lấy lại đà tăng và tiến sát đến vùng đỉnh lịch sử 1.423 điểm khi những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt dần được nới lỏng.
Tính đến ngày 30/9/2021, VN-Index đóng cửa ở mức 1.342,06 điểm, tăng 0,8% so với cuối tháng trước và tăng 21,6% so với cuối năm 2020. Tương tự, HNX-Index đóng cửa ở mức 357,33 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước và tăng 75,9% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.861 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với cuối năm 2020, tương đương 109% GDP.
Mặc dù vận động của thị trường có phần chậm lại so với nửa đầu năm, tính đến hết quý III, nhiều công ty chứng khoán vẫn công bố kết quả kinh doanh tích cực, vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra trước đó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã nâng kế hoạch kinh doanh cả năm lên mức cao mới để phù hợp với diễn biến thị trường.
Dẫn đầu trên "đường đua" lợi nhuận là CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS) khi báo lãi gần 802 tỷ đồng trong quý III, gần tương đương với kết quả đạt được trong quý trước đó và tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.
Kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu tăng trưởng hơn 39%, trong đó doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 247%, đạt 244 tỷ đồng. Trong quý III, TCBS cũng đã leo lên vị trí thứ 7 về thị phần môi giới tại HOSE với 4,81%, tăng một bậc so với nửa đầu năm. Tại HNX và UPCoM, công ty chứng khoán này lần lượt giành vị trí thứ 6 và thứ 4 về thị phần.
Tuy vậy, nguồn thu chính của TCBS vẫn đến từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán với 450 tỷ đồng. Công ty tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu mảng môi giới trái phiếu tại HOSE, đạt 34,86% thị phần trong quý III.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCBS lãi ròng hơn 2.277 tỷ đồng lãi ròng, tăng 33% so với kết quả thực hiện trong cùng kỳ 2020.
Trong nhóm dẫn đầu, CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng là một trong những đơn vị báo lãi tích tực trong quý III với lãi ròng hơn 667 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, nguồn thu lớn nhất trong quý đến từ mảng môi giới chứng khoán với 667 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ 2020. Trong quý III, thị phần môi giới cổ phiếu của SSI tại HOSE tăng 0,6% so với quý II, đạt 11,58%.
Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế sau 9 tháng đầu năm 2021 của công ty chứng khoán này đạt khoảng 2.100 tỷ đồng. Với kết quả trên, SSI đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Ngoài việc nằm trong top đầu về lợi nhuận, SSI cũng giữ "ngôi vương" ở mảng cho vay ký quỹ với dư nợ cuối quý III đạt mức kỷ lục 18.107 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Theo sát SSI, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đã lần đầu góp mặt vào câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD trên TTCK Việt Nam sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh trong tháng 9. Cùng với đó, VNDirect đã nâng kế hoạch kinh doanh năm 2021 lên 82% so với mục tiêu ban đầu.
Trong quý III, VNDirect báo lãi trước thuế kỷ lục 686 tỷ đồng, tăng trưởng 122%. Lũy kế kể từ đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của công ty đạt trên 3.838 tỷ đồng, tăng trưởng 149% và lãi ròng đạt 1.453 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, công ty chứng khoán này thực hiện 97% chỉ tiêu doanh thu và 90% kế hoạch mới được điều chỉnh.
Đơn vị cuối cùng nằm trong "câu lạc bộ" lãi nghìn tỷ đồng là CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC - Mã: VCI) với lãi ròng 1.031 tỷ đồng sau 9 tháng, vượt 1% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính riêng trong quý III, công ty chứng khoán này lãi hơn 329 tỷ đồng, chủ yếu nhờ VCSC đã hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên doanh thu bán tài sản tài chính tăng 274 tỷ đồng, tương ứng tăng 502% so với quý III/2020.
Theo quan sát, danh mục đầu tư của công ty chứng khoán không có nhiều thay đổi so với cuối quý II, tuy nhiên VCSC đã giảm vị thế tại các cổ phiếu như TCB, VPB và DGC.
Bên cạnh nhóm lợi nhuận nghìn tỷ, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS) là cái tên với mức tăng trưởng mạnh trong quý III. Doanh nghiệp này báo lãi sau thuế quý III đạt 296 tỷ đồng, gấp 6,2 lần cùng kỳ và là quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động tới nay.
Lũy kế từ đầu năm, FPTS lãi sau thuế đạt 671 tỷ đồng, gấp 9,6 lần cùng kỳ và vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm. Nhờ đó, FPTS soán ngôi TCBS trở thành công ty chứng khoán có mức ROE cao nhất với 10,5%.
Bên cạnh những nốt thăng trong bức tranh lợi nhuận quý III, một số đơn vị lại ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực hơn. Dẫn đầu về thị phần môi giới trên toàn thị trường, thế nhưng CTCP Chứng khoán VPS lại chỉ xếp thứ 8 về lợi nhuận trong ngành.
Mặc dù doanh thu quý III tăng hơn 190% so với cùng kỳ năm trước nhờ các mảng kinh doanh đều tăng trưởng mạnh, chi phí hoạt động và chi phí tài chính đồng thời tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế quý III chỉ còn 240 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm, VPS ghi nhận 6.648 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 604 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng tăng lần lượt 149% và 66% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC - Mã: BMS) là đơn vị đầu tiên báo lỗ ròng 38,2 tỷ đồng trong quý III và là mức lỗ lớn nhất kể từ quý I/2020. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm ở hoạt động tự doanh, vốn là mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu của BMSC.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 46,4% xuống chỉ còn 29,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt 54,7 tỷ đồng.
Tuy vậy nhờ kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, doanh thu lũy kế sau 9 tháng vẫn tăng trưởng 65,5%, đạt giá trị tương ứng 377 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 102,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 62 tỷ đồng cùng kỳ.
Tương tự, Chứng khoán Agribank (Agriseco - Mã: AGR) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III giảm đến 40% so với cùng kỳ chỉ còn 30 tỷ đồng do doanh thu hoạt động tự doanh suy giảm. Dù vậy sau 9 tháng, công ty chứng khoán này vẫn đạt kết quả tích cực với con số lợi nhuận 342 tỷ đồng, tăng trưởng 239% so với cùng kỳ.