Ngày 20/10 tới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) sẽ triệu tập ĐHCĐ bất thường thông qua một số nội dung quan trọng liên quan đến khoản trái phiếu chuyển đổi với Goldman Sachs và kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của công ty. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII về những nội dung xung quanh cuộc họp quan trọng này.


Trong nội dung họp ĐHĐCĐ mà CII vừa công bố, CII sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét nên hay không nên gia hạn thời hạn chuyển đổi cho TPCĐ đã phát hành cho GS. Việc gia hạn xuất phát từ nhu cầu phía Goldman Sachs (GS) hay CII thưa ông? Tại sao HĐQT CII lại trình “nên hay không nên” mà không phải là “nên” hoặc là “không nên”?

GS đã có đề nghị CII gia hạn thời hạn chuyển đổi TPCĐ thêm 1 năm, tức là đến ngày 27/01/2017. Chúng tôi đã trao đổi, cân nhắc việc này rất nhiều lần và thật sự rất khó khăn để đưa ra quyết định về việc này.

Xét về góc độ tích cực : Việc gia hạn cho GS sẽ (1) duy trì được thương hiệu của GS tại CII thêm 1 năm, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) về các hoạt động của CII; (2) Tiếp tục được sử dụng nguồn vốn giá rẻ của GS thêm 1 năm. Nhìn chung, việc gia hạn sẽ tốt cho Công ty.

Xét về góc độ tiêu cực : Việc gia hạn cho GS sẽ tạo ra áp lực nguồn cung cổ phiếu giá rẻ luôn thường trực trên thị trường. Điều đó sẽ (1) Khó thu hút nhà đầu tư mới tham gia mua cổ phiếu CII; (2) Trong chuyến đi gặp gỡ các nhà đầu tư tại Mỹ vừa rồi của CII (từ 11/09/2015 đến 17/09/2015), ai cũng e ngại câu chuyện TPCĐ của GS, họ chờ đợi CII xử lý xong việc này rồi mới tính đến việc đầu tư vào CII. Nhìn chung, việc gia hạn sẽ gây bất lợi cho cổ đông hiện hữu của CII khi mà khoản đầu tư của cổ đông không được phản ánh bởi giá trị thực của cổ phiếu CII.

HĐQT của CII thì đứng cả hai vai. Trong vai trò là người quản lý trực tiếp công ty thì mong muốn có các yếu tố thuận lợi để tạo cơ hội cho CII phát triển. Trong vai trò là cổ đông thì cũng mong muốn thị trường phản ánh được giá trị thực của cổ phiếu CII. Do vậy, HĐQT đã đưa ra ý kiến “trung lập” về vấn đề này và để cổ đông của CII, những người chủ của Công ty quyết định về việc này.

Tại sao CII lại muốn nới room lên 100%? Không lẽ công ty sẵn lòng đón cổ đông ngoại đến mức không e ngại thâu tóm? Việc nới room có mang tính hình thức không?

Bạn biết đấy, rất nhiều lần chúng tôi đã khẳng định rằng CII không e ngại thâu tóm. Tâm niệm của chúng tôi là “nếu có ai đó làm việc tốt hơn mình, làm tốt cho CII hơn mình, làm lợi cho cổ đông nhiều hơn mình thì chúng tôi sẵn sàng ra đi, thậm chí quay trở lại làm một nhân viên bình thường của CII”.

Với một quan điểm rất rõ ràng như vậy nên chúng tôi mạnh dạn đề xuất với ĐHĐCĐ mở room 100%. Việc này vừa có lợi cho Công ty khi có thể thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư mới để mở rộng quy mô hoạt động, vừa có lợi cho cổ đông hiện hữu khi có thêm lực cầu về cổ phiếu CII từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ những nhà đầu tư lớn muốn nắm giữ tỷ lệ sở hữu cao ở CII.

Trong chuyến đi gặp gỡ các nhà đầu tư tại Mỹ vừa rồi, họ rất “khoái” CII khi chúng tôi trình bày về cấu trúc kinh doanh của CII (nhất là cách đầu tư tài chính của CII trong lĩnh vực hạ tầng). Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện họ e ngại về TPCĐ của GS, họ cũng cho rằng room CII còn ít quá, không đạt được quy mô đầu tư của họ. Do vậy, tôi mạnh dạn khẳng định với bạn là việc nới room không phải là hình thức mà là tạo ra cơ hội mới cho cả CII lẫn cổ đông hiện hữu của CII.

Trước đây CII từng tuyên bố, GS không thể bán ồ ạt cổ phiếu chuyển đổi ra thị trường, vì họ kỳ vọng lợi nhuận khá cao, và cũng vì cam kết với CII. Ông có thể nói gì về điều này khi sắp tới GS sẽ bán ra cổ phiếu được chuyển đổi?

Chính xác là CII đã từng công bố như vậy. Vào thời điểm đó (khoảng tháng 04/2014), giá cổ phiếu CII (trên cơ sở pha loãng hoàn toàn) là 14.000 đồng/cổ phiếu, bây giờ là khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu, tức là đã tăng hơn 64%. Do vậy, nếu GS chuyển đổi và bán cổ phiếu thì cũng là điều dễ hiểu và các tuyên bố trước đây của CII cũng hoàn toàn chính xác.

Mặc khác, thời hạn TPCĐ của GS cũng không còn nhiều (đáo hạn vào ngày 27/01/2016) nên việc họ chuyển đổi và bán cổ phiếu để kết thúc một quy trình đầu tư (5 năm) âu cũng là lẽ thường tình. Vấn đề là CII, với trách nhiệm của mình, cần phải xử lý như thế nào để cổ đông ít bị ảnh hưởng. Những gì chúng tôi đã nỗ lực trong thời gian gần đây cũng đã chứng minh được việc này.

Những vướng mắc về mặt thủ tục khi mua cổ phiếu quỹ từ GS (sẽ là cổ đông lớn khi tổ chức này chuyển đổi trái phiếu) đã giải quyết đến đâu rồi?

Cái này thuộc bí mật nghề nghiệp (cười). Hiện nay CII không được mua cổ phiếu từ cổ đông lớn; và (UBCKNN cũng không cho mua cổ phiếu sẽ được chuyển đổi trong tương lai để làm cổ phiếu quỹ; đồng thời mỗi đợt mua cổ phiếu quỹ phải cách nhau 6 tháng, nên CII không mua được cổ phiếu từ GS để làm cổ phiếu quỹ nữa rồi.

Tuy nhiên, để bảo vệ cổ đông khi có lượng cổ phiếu lớn được chuyển đổi từ TPCĐ của GS, CII vẫn trình ĐHĐCĐ cho phép mua 50 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ (với một số điều kiện như đã công bố). Điều này có nghĩa là chúng tôi đã có hướng giải quyết. Phương thức giải quyết như thế nào thì xin phép được bảo mật thông tin.

Ngoài tài trợ vốn, vai trò của GS với hoạt động của CII trong thời gian qua (từ lúc GS mua trái phiếu của CII) như thế nào?

Hiệu quả của việc GS đầu tư vào CII thì vô cùng to lớn, nó không đơn giản chỉ là tiền, là lợi nhuận mà còn rất nhiều giá trị vô hình mà GS đã mang lại cho CII . Là người nắm giữ tài chính của CII từ ngày thành lập đến nay, tôi dám khẳng định với bạn là nếu không có khoản đầu tư 40 triệu USD của GS vào năm 2011 (năm bắt đầu của chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất bắt đầu tăng cao ngất ngưỡng) thì không có CII ngày hôm nay, nặng nề hơn, là không biết hôm nay CII đã đi về đâu, không chừng là “đi về nơi xa lắm” (cười).

Một ví dụ rất đơn giản: Khi CII trình bày với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB, IFC, CGIP…) là GS đang đầu tư vào CII là họ OK ngay lập tức, họ bỏ qua bước thẩm định về quản trị của CII và đi thẳng vào câu chuyện định hướng hợp tác giữa hai bên.

GS cũng tham gia Ủy Ban Đầu Tư của CII, do vậy, các dự án của CII khá dễ dàng để huy động vốn vì các nhà tài trợ biết rằng dự án đã được thẩm định bởi GS trước khi CII chính thức đầu tư.

Có vẻ ông chịu nhiều áp lực trong việc mua bán cổ phiếu CII trong thời gian qua?

Không có từ ngữ nào để có thể mô tả được cảm giác của tôi trong thời gian vừa rồi. Chán nản, thất vọng, nhục nhã, mệt mõi… có đầy đủ hết.

Mua vào cổ phiếu cũng bị chửi, bán ra cũng bị chửi, viết thư gởi cổ đông để cổ đông yên tâm với hoạt động của CII cũng bị chửi, kiểu gì cũng bị chửi, nhục vô cùng.

Đối tác, ngân hàng tài trợ, bạn bè, lãnh đạo các đơn vị có liên quan… thì lo lắng, không biết nội bộ CII có chuyện gì không mà bị phê phán gay gắt quá. Điện thoại của tôi phải mở 24/7 để giải thích cho mọi người, thậm chí tôi phải bay ra Hà Nội để giải trình với các đối tác rằng mọi hoạt động trong CII đang rất tốt, hoàn toàn không có bất kỳ một dấu hiệu rủi ro nào đang tiềm ẩn và có khả năng xảy ra.

Thôi, mặc dù tôi biết và đảm bảo chắc chắn rằng cổ đông (ở đây tôi đang muốn nói đến những nhà đầu tư có ý định nắm giữ CII từ 1 năm trở lên) sẽ ít nhiều bị thiệt thòi, nhưng từ nay trở đi, tôi cam kết không mua, không bán cổ phiếu CII nữa, sợ lắm rồi.

Chân thành cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe

Theo Đan Nguyên

Trí thức trẻ

Nguồn: Trí thức trẻ