Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đã có những thay đổi đáng chú ý trong chiến lược giao dịch. Mặc dù có phần thận trọng cao trong tuần trước, nhưng trước những thay đổi của thị trường tuần này, vị thế giao dịch cũng có những thay đổi phù hợp.
Đa số các chuyên gia đã tăng tỷ trọng sở hữu cổ phiếu lên trong tuần, với mức cao nhất 80%, mức thấp nhất là 70%. Duy nhất một chuyên gia chờ đợi cơ hội khi thị trường điều chỉnh.
Đánh giá về những tác động khiến thị trường chuyển biến trong tuần, các ý kiến đều thiên về nhận định câu chuyên TPP chỉ là chất xúc tác đúng thời điểm, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Khi cơ hội lợi nhuận xuất hiện, tự khắc dòng tiền được lôi kéo vào thị trường.
Điều khá đặc biệt là các chuyên gia không đánh giá cao cơ hội ngắn hạn ở các cổ phiếu liên quan trực tiếp đến TPP mà cho rằng dòng tiền trên thị trường sẽ hướng đến những blue-chip cơ bản truyền thống hay các mã đầu cơ hàng đầu, đặc biệt là khi dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng dịch chuyển theo hướng này.
Hứng khởi ngắn hạn
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Thị trường đã chuyển biến tích cực hơn nhiều so với dự kiến của anh chị trong tuần trước và TPP là điểm then chốt. Đã có rất nhiều những bình luận về mặt tích cực và tiêu cực của TPP. Tuy nhiên từ góc độ thị trường, anh chị đánh giá thế nào về phản ứng của nhà đầu tư với sự kiện này?
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
TPP là một cái cớ mà mọi người rất dễ dàng để tìm ra giải thích cho sự bùng nổ của thị trường trong tuần rồi.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là nguyên nhân chính, bởi chính các cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP lại không tăng mạnh nhất, và tôi cũng không quan trọng lý do là gì bởi với tôi đơn giản khi bạn có lãi, những nhà đầu tư cạnh bạn có lãi, tự khắc tâm lý nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn và lôi kéo thêm dòng tiền vào thị trường.
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Rõ ràng tâm lý của các nhà đầu tư đã lạc quan hơn rất nhiều từ sự kiện này trong ngắn hạn. Dễ thấy điều này qua điểm số tăng (trong tuần này, VN-Index và HNX Index lần lượt tăng 4,6% và 3,6%), đồng thời thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể (tổng khối lượng khớp trên hai sàn đạt bình quân 180 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh so với giai đoạn trước đó).
Cùng lúc đó, thị trường chứng khoán thế giới phục hồi cũng tác động tích cực đến vệc khối ngoại qua trở lại mua ròng sau hai tháng bán ròng liên tục. Cụ thể, trong tuần vừa rồi, khối ngoại đã mua ròng 1.115 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận MBB, thì giá trị mua ròng cũng lên đến hơn 470 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thiên về hướng thận trọng hơn với thị trường tại đoạn này bởi để TPP được ký kết và thông qua cần khoảng 18 đến 24 tháng nữa (như phát biểu của đại diện Bộ Công Thương), chưa kể việc tham gia TPP bên cạnh những cơ hội lớn cũng có những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Phản ứng hiện nay chủ yếu là tâm lý hứng khởi trong ngắn hạn.
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Từ góc độ thị trường, tôi cho rằng TPP được xem là một chất xúc tác giúp cho thị trường bứt phá khỏi kênh giá đi ngang hiện tại và mở ra một xu hướng tăng điểm mới cho chỉ số trong ngắn hạn.
Trong giai đoạn gần một tháng qua, các chỉ số rơi vào trạng thái lình xình đi ngang tương đối khó chịu, thanh khoản sụt giảm, các nhà đầu tư giữ trạng thái thận trọng, dè dặt và hạn chế giao dịch để chờ đợi những tín hiệu về xu hướng rõ ràng hơn của các chỉ số.
Những thông tin được cho là sẽ có tác động không tốt đối với thị trường đều đã được công bố theo chiều hướng tích cực giúp cho các chỉ số giảm thiểu được khả năng sụt giảm mạnh. Tuy nhiên thị trường sau đó lại có dấu hiệu “trơ” đối với những tin tức hỗ trợ được tung ra, có thể do các tin tức này chưa đủ mạnh và không được kỳ vọng sẽ có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng thị trường.
Vì vậy, thông tin TPP chính thức được thông qua như một cú hích về mặt tâm lý đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn cũng như tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong dài hạn.
Điều này đã giúp cho tâm lý thận trọng được gạt bỏ để thay thế bằng sự lạc quan, kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng chỉ số sẽ thiết lập lại xu hướng tăng điểm trong thời gian tới.
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Theo tôi tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện - nhà đầu tư đã phản ứng rất tốt, thậm chí là khá hưng phấn ngay khi vòng đàm phán Atlanta về TPP kết thúc tốt đẹp.
Phản ứng rất tích cực của nhà đầu tư thể hiện qua giá trị giao dịch của toàn thị trường trong 4 phiên gần nhất (hơn 3.000 tỷ đồng/phiên).
Có lẽ tâm lý lạc quan sẽ nguôi dần vào tuần tới nhưng ít nhất nhà đầu tư cũng tự tin chọn mã để giải ngân, hơn là tâm lý e dè, lo lắng ở các tuần giao dịch trước đó.
Đến lúc lạc quan?
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Dòng vốn nước ngoài cũng đã đảo ngược tuần này, mua ròng trở lại với mức độ rất ấn tượng, thậm chí đã có những ý kiến gợi nhớ tới thời kỳ 2006. Điều này có tạo sự tin tưởng đối với anh chị hay không, nhất là khi VN-Index đã vượt ra khỏi vùng tích lũy kéo dài suốt tháng 9?
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Rất khó để so sánh bởi bối cảnh hai thời điểm về cơ bản là khác nhau và các nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm 2006 chưa phải trải qua những thời điểm bất lợi kéo dài của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Hơn nữa như tôi đã đề cập ở trên, sự kiện TPP diễn ra đồng thời với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới hồi phục tương đối tích cực nên việc mua ròng của khối ngoại cũng chưa thể chắc chắn là chỉ do TPP và liệu có thể kéo dài đến bao giờ.
Đặt trong bối cảnh chung các dòng vốn đầu tư đang rút ròng khỏi các khu vực thị trường mới nổi/thị trường biên, tôi không quá lạc quan trước viễn cảnh khối ngoại sẽ kéo dài việc mua ròng tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Việc TPP chính thức được thông qua tại thời điểm FED có thể sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất vào tháng 12, còn Trung Quốc đang quyết tâm ổn định lại nền kinh tế đã giúp cho dòng vốn nước ngoài quay lại mua ròng tương đối tích cực trong tuần qua.
Tuy nhiên, tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, rất khó để khẳng định dòng vốn này có tiếp tục chảy vào thị trường một cách ổn định và mạnh mẽ trong thời gian tới nữa hay không, đặc biệt là khi thời điểm FED nâng lãi suất không còn xa (thậm chí, vẫn có khả năng cơ quan này có thể tăng lãi suất ngay trong kỳ họp tháng 10 này).
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi thực sự tin tưởng vào thị trường mỗi khi nhìn thấy thanh khoản của thị trường tăng vọt - điều này chỉ xảy ra khi vĩ mô có sự chuyển biến, dòng tiền đồng thuận sẽ bắt đầu tham gia vào thị trường mặc dù câu chuyện niềm tin vào từng mã riêng lẻ lại là một câu chuyện khác.
Một khi khối ngoại mua ròng trở lại đó cũng là yếu tố tác động tốt đến tâm lý cũng như dòng tiền của khối nội. VN-Index “break-out” vượt qua nền tảng tích lũy kéo dài suốt tháng 9 sẽ tiếp tục vươn tới các điểm cao mới 610, 640 điểm cùng với xu hướng mua ròng trở lại của không chỉ của riêng khối ngoại.
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn tin tưởng vào dòng vốn ngoại sẽ giữ vai trò quan trọng nếu thị trường khởi tạo một sóng tăng thật sự.
Nếu như tuần trước trạng thái tốt xấu chưa thực sự rõ ràng thì tuần này trạng thái kỹ thuật của phần lớn các cổ phiếu trên thị trường đã tích cực hơn, khả năng tiếp tục bứt phá lớn.
Những cổ phiếu có sự tham gia của khối ngoại sẽ là nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất.
Nhóm nào hấp dẫn?
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Một điều khá thú vị đối với các cổ phiếu như dệt may, thủy sản, những cổ phiếu được cho là hưởng lợi lớn từ TPP, giá lại không mạnh mẽ bằng những cổ phiếu blue-chips khác. Tại sao vậy và dòng tiền đang hướng đến những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào?
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Dòng tiền thực chất chỉ chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản những cổ phiếu được cho là hưởng lợi lớn từ TPP trong 1 - 2 phiên đầu tiên nhưng sau đó lại phân hóa sang các cổ phiếu blue chips, cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt kiểu như BVH, VCB, VIC, HPG, VHG, KBC, ITA…
Điều này được coi là bình thường và có thể được giải thích như sau.
Mỗi khi thị trường xuất hiện sóng mà sóng đến từ những biến cố thay đổi vĩ mô, thời điểm đồng thuận giải ngân của thị trường thì một trong những tín hiệu rõ nét là những cổ phiếu cơ bản truyền thống kể cả các cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt phải tăng điểm mạnh với giao dịch đột biến.
Do vậy, một khi thị trường đang trong giai đoạn hồi phục, không chỉ thông tin TPP mà cả các thông tin vĩ mô tích cực khác hỗ trợ như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tác động tốt đến thị trường thì những cổ phiếu cơ bản, những cổ phiếu đầu ngành, những cổ phiếu mid cap cơ bản cũng sẽ thu hút dòng tiền.
Do vậy, theo tôi dòng tiền cũng sẽ phân hóa luân phiên vào những cổ phiếu bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng…các cổ phiếu có thể liệt kê ra là CII, FCN, VIC, KBC, VHG, HCM….
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng hiện tường này xảy ra là do việc nhóm cổ phiếu được xem là sẽ được hưởng lợi nhất nếu TPP được ký kết như dệt may, da giày, thủy sản đều đã có sự phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian hơn một năm qua.
Vì vậy, thông tin TPP chỉ còn là tác động về mặt tâm lý mang tính thời điểm đối với nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên về dài hạn, tôi cho rằng với những thuận lợi từ TPP những cổ phiếu này sẽ vẫn còn khả năng tăng trưởng cả về giá cổ phiếu lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường đang đứng trước cơ hội xác lập lại xu hướng tăng điểm trung hạn và quay lại thử thách các mốc kháng cự tâm lý mạnh 610 điểm trong thời gian tới.
Vì vậy, theo tôi dòng tiền có thể sẽ quay lại nhóm cổ phiếu blue-chip cơ bản tốt và có tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, bảo hiểm cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được sự chú ý của dòng tiền.
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi cho rằng có 3 nhóm cổ phiếu hấp dẫn, thu hút dòng tiền trong giai đoạn này.
Một là nhóm cổ phiếu blue-chip có khối ngoại tham gia. Hai là, nhóm cổ phiếu đồ thị ở vùng dưới thấp, mức độ “mispricing” (định giá thấp) với thị trường lớn, điển hình cho nhóm này là bất động sản và một số penny.
Thứ ba, đó là các cổ phiếu trước đây không ai quan tâm nhưng khoảng 4-5 tháng gần đây bắt đầu có thanh khoản lớn, có thể nhóm này sẽ tạo sự bất ngờ trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên cổ phiếu nhóm 3 thanh khoản thường thấp, rất khó tham gia tỷ lệ tài sản lớn.
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
TPP là điểm bùng phát khi thị trường đã đi ngang tích lũy khá lâu trước đó. Một số cổ phiếu được dự báo hưởng lợi từ TPP (ví dụ nhóm cổ phiếu trong ngành dệt may), vốn đã tăng giá trước đó, đã được bán ra chốt lời khi tin về TPP xuất hiện.
Trong tuần này khối ngoại mua ròng nên cũng không khó hiểu khi nhóm cổ phiếu blue-chips có diễn biến tích cực, bởi dòng tiền khối ngoại thường ưu tiên nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt.
Về cơ bản, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp mạnh đầu ngành có kết quả kinh doanh tốt vẫn sẽ là nhóm được dòng tiền tìm đến nhiều nhất.
Đa số giải ngân
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Anh chị có tham gia thị trường tuần này hay không, mức độ phân bổ vốn như thế nào?
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi có phân bổ thêm 30% cổ phiếu, nâng tổng cổ phiếu lên 80%.
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện nâng tỷ trọng danh mục ngắn hạn lên mức 50% cổ phiếu và có thể sẽ tiếp tục gia tăng nếu thị nhóm cổ phiếu tôi quan tâm điều chỉnh về lại vùng giá kỳ vọng.
Như vậy, tỷ trọng danh mục tổng của tôi lúc này được nâng lên 80% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn vẫn được giữ ở mức 30%).
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi đã không thực hiện mua vào trong bối cảnh thị trường tăng nhanh vì một sự kiện có tác động chủ yếu đến tâm lý trong ngắn hạn.
Tôi sẽ chờ đợi cơ hội ở một thời điểm khác khi thị trường điều chỉnh trở lại.
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi đã thực hiện giải ngân thêm 30% tiền vào thị trường trong tuần qua và tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang là 70%/30%.
Cơ hội với thị trường đang xuất hiện nhiều hơn và câu chuyện của điểm số VN-Index diễn biến thế nào đi nữa thì câu chuyện thời điểm nào và mã gì vẫn là vấn đề không hề dễ dàng.
* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS: quang.phamthien@mbs.com.vn
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn