Sau 2 phiên tắc thanh khoản, sáng nay, cổ phiếu VRE đã có lệnh bán ra, giúp mã này khớp ở mức giá trần 43.350 đồng, góp phần đưa VN-Index thẳng tiến qua ngưỡng 865 điể.

Phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần trước (ngày 3/11) đã kéo VN-Index tăng tới hơn 10 điểm dù lực cầu vẫn khá thận trọng, điều này khiến giới phân tích không đặt kỳ vọng quá lớn vào xu hướng tăng của thị trường. Tuy vậy, sự dẫn dắt tích cực của một số mã vốn hóa lớn đã giúp thị trường trụ vững đà tăng trong 5 phiên và liên tiếp xác định vùng đỉnh mới qua từng phiên giao dịch.

Với giá trị vốn hóa của 10 mã đứng đầu chiếm tới hơn 50% tổng giá trị vốn hóa toàn sàn, nên diễn biến của VN-Index phụ thuộc chính vào nhóm này. Đây chính là nguyên nhân khiến thị trường bị đánh giá là méo mó trong thời gian qua.

Trong phiên hôm qua (9/11), khi VN-Index được kéo lên sát mốc 865 điểm, áp lực chốt lời đã diễn ra, đẩy chỉ số này lao mạnh và chỉ may mắn mới thoát khỏi sắc đỏ cuối phiên.

Theo nhận định của CTCK MSI, phiên cuối tuần 10/11, VN-Index có thể rung lắc mạnh quanh ngưỡng 860 điểm, giao dịch sẽ tích cực vào phiên sáng và giảm dần trong phiên chiều.

Với những phân tích và đánh giá trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần khá thận trọng, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra khi VRE có lực cung, giúp mã này khớp ở mức trần 43.350 đồng, trở thành cổ phiếu có mức vốn hóa lớn thứ 6 trên sàn HOSE. Việc VRE tăng trần, cùng với VNM tiếp tục tăng mạnh đã giúp VN-Index nhảy vọt qua ngưỡng 865 điểm sau đó, bất chấp SAB và ROS vẫn giảm mạnh.

Tuy có lệnh bán, nhưng lượng hàng đưa ra chỉ hơn 31.000 đơn vị, không thấm vào đâu với lượng cầu đợi sẵn ở mức giá trần gần 25 triệu đơn vị.

Với VNM, sau 2 phiên tăng tích cực với thông tin 19 nhà đầu tư tham gia đấu giá với giá không thấp hơn 151.200 đồng/CP trong đợt đấu giá cổ phần VNM của SCIC, cổ phiếu VNM đã có chút điều chỉnh nhẹ khi mở cửa phiên sang nay. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp VNM nhanh chóng đảo chiều tăng.

Tại thời điểm 10h10, VNM tăng 1,8%, tạm đứng ở mức giá 165.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Đà tăng được duy trì khá tốt trong nửa cuối phiên sáng nhờ sự dẫn dắt của trụ cột VNM và sự khởi sắc của dòng bank.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,28 điểm (+0,73%) lên 866,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 92,32 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.350,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,68 triệu đơn vị, giá trị 250,71 tỷ đồng, trong đó VRE thỏa thuận 1,86 triệu đơn vị, giá trị 78,58 tỷ đồng.

Nhóm VN30 hầu hết đã chuyển xanh với 18 mã tăng, 8 mã giảm và 4 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 5,08 điểm (+0,6%) lên 858,13 điểm.

Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường - VNM tiếp tục leo đỉnh với mức tăng 2,4%, tạm chốt phiên tại mức giá 166.400 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 2 triệu đơn vị. Không chỉ lực cầu trong nước tích cực, trong phiên đấu giá cổ phiếu VNM của SCIC, cổ phiếu VNM cũng được nhà đầu tư ngoại gom mạnh khi mua ròng gần 1,6 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã hồi phục và khá tích cực nhờ lực cầu hấp thụ mạnh như VCB tăng 1,2% lên mức 43.600 đồng/CP và khớp 1,16 triệu đơn vị; BID tăng 1,5% lên 23.850 đồng/CP và khớp 1,32 triệu đơn vị; CTG tăng 3% lên mức 20.300 đồng/CP và khớp 3,07 triệu đơn vị; MBB tăng 1,1% lên 23.750 đồng/CP và khớp 3,85 triệu đơn vị, STB tăng 2,2% và khớp 1,27 triệu đơn vị.

Trái lại, ở nhóm cổ phiếu dầu khí, sau nhịp điều chỉnh đầu phiên cũng đã lấy lại cân bằng như GAS đứng giá tham chiếu 76.800 đồng/CP, PLX chỉ còn giảm nhẹ 0,3% tạm đứng ở mức giá 58.000 đồng/CP.

Cặp đôi lớn ROS và SAB cũng được chặn đà rơi, với mức giảm tương ứng 0,79% và 3,96%, lần lượt về mức giá 172.000 đồng/CP và 277.000 đồng/CP.

Trong khi đó, VRE không có thêm biến động do vắng bóng lực cung. Chốt phiên, VRE vẫn giữ sắc tím với mức tăng 6,9% lên mức 43.350 đồng/CP và dư mua trần 22,67 triệu đơn vị.

Một điểm đáng chú ý khác trong phiên sáng nay là cổ phiếu SBT. Cụ thể, ngay sau thông báo dự kiến mua hơn 83,55 triệu cổ phiếu quỹ cùng kế hoạch kinh doanh hợp nhất niên độ 2017-2018, cổ phiếu SBT đã nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và nhanh chóng khoe sắc tím cùng giao dịch sôi động.

Hiện SBT tăng 7% lên mức giá trần 21.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE đạt 5,53 triệu đơn vị và dư mua trần 434.820 đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù giữa phiên giao dịch thiếu tích cực và chủ yếu đứng ở dưới mốc tham chiếu nhưng chỉ số sàn đã khởi sắc và được kéo lên mức cao nhất khi chốt phiên.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,5%) lên 106,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,85 triệu đơn vị, giá trị 251,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 361.019 đơn vị, giá trị 4,64 tỷ đồng.

Trong đó, ACB là trụ đỡ chính khi tăng vọt về cuối phiên với biên độ 2,5% lên mức cao nhất 32.300 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,27 triệu đơn vị.

CEO và KLF là 2 mã có giao dịch tốt nhất sàn HNX, lần lượt đạt 2,23 triệu đơn vị và hơn 2 triệu đơn vị, tuy nhiên chốt phiên CEO giảm 1,8% xuống mức 10.900 đồng/CP, còn KLF giảm 2,63% xuống 3.700 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM, rung lắc nhẹ cũng diễn ra đầu phiên nhưng sự hỗ trợ tích cực của các mã lớn đã giúp chỉ số sàn hồi phục và duy trì sắc xanh đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,06%) lên 52,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,5 triệu đơn vị, giá trị 50,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 213.699 đơn vị, giá trị 1,33 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn HVN đang là điểm sáng trên sàn. Sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ, HVN đã khởi sắc và bật tăng mạnh 7% lên mức 29.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM đạt 881.800 đơn vị.

Bên cạnh đó, “người anh em” ACV duy trì đà tăng khá ổn định với mức tăng 3,5%, chốt phiên tại mức giá 77.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 33.000 đơn vị.

Trái với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, LPB có phần trầm lắng hơn sau 2 phiên tăng điểm. Hiện LPB đứng giá tham chiếu 13.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đứng sau HVN, đạt 652.100 đơn vị.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn