Chuỗi 21 phiên tăng liên tiếp (tính cả phiên sáng nay) đã đưa ROS lên mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, đà tăng của ROS, cũng như VNM, SAB không đủ sức giúp VN-Index đứng vững trong phiên sáng nay khi hàng trăm mã khác giảm giá.

Trong phiên sáng qua, dù có chút ngập ngừng đầu phiên do ROS rung lắc, nhưng sự bật tăng trở lại của cổ phiếu này cùng một số mã lớn đã giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm trong phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, thị trường tiếp tục tiến bước, trong đó các mã vốn hóa lớn và đặc biệt là dòng Bank tăng tốt đã tạo cú hích giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 830 điểm.

Nhận định về xu hướng thị trường, FPTS cho rằng, đường giá đã nhanh chóng quay lại phía trên đường SMA 5 ngày, ủng hộ cho khả năng tiếp diễn của kênh xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 8/2017 đến nay. Tuy vậy, rủi ro của một “bẫy tăng giá” vẫn đang được để ngỏ bởi điều kiện về thanh khoản không được thỏa mãn.

Thân nến tăng của VN-Index kèm bóng dưới thể hiện nỗ lực tăng giá mạnh mẽ nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh lại sụt giảm về dưới mức bình quân 20 phiên.

Trạng thái này cho thấy đà tăng đang bắt nguồn từ hành vi tiết cung của bên bán thay vì kỳ vọng của bên mua.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (26/10), VN-Index tiếp tục gặp phải lực bán mạnh và ngay lập tức thủng mốc 830 điểm, tuy nhiên chỉ ít phút sau, chỉ số đã tăng mạnh trở lại, tái lập ngưỡng cản 830 - 833 điểm.

Trong rổ VN30, ROS đã quay trở lại và chính thức vượt mức giá cao nhất từ khi niêm yết tới nay, hiện đang giao dịch ở mức giá 181.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 5,6%.

Trước đó, cổ phiếu này đạt mức cao nhất là 177.800 đồng/cp vào ngày 15/3/2017.

Tương tự như ROS, SAB cũng có đôi chút ngập ngừng, sau đó bật tăng cũng tác động lớn tới chỉ số.

Các mã vốn hóa lớn khác VNM, MWG, DHG, VCB, BVH, MSN…cũng đang có đà tăng tốt.

HSG sau 4 phiên liên tiếp giảm, đã tăng trở lại 2,4% và khớp hơn 1,4 triệu đơn vị, và cũng là mã thanh khoản cao nhất trong nhóm Vn30.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, điểm nhấn đáng chú ý đang là HHS, cổ phiếu này đã tăng lên mức giá trần (+6,8%) lên 4.570 đồng/cổ phiếu và có thanh khoản đột biến sau 5 phiên gần nhất, hiện khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị.

ASM sau phiên tăng trần hôm qua đã giảm nhẹ trở lại và có thanh khoản tốt nhất trên HOSE với hơn 3,6 triệu đơn vị đang được khớp.

FLC rung lắc mạnh, khi mở cửa giảm, sau đó hồi nhẹ trở lại, trước khi về tham chiếu sau gần 1h giao dịch. Hiện FLC có thanh khoản đứng sau ASM với hơn 2,83 triệu đơn vị được sang tay.

HQC cũng có diễn biến tương tự, nhưng đang giao dịch trong sắc đỏ với 2,17 triệu đơn vị được khớp.

Các mã tăng nhẹ còn có CTH, OGC, FIT, FCM, AMD... Trong khi đó, IDI, HAR, DXG, ITA, HTT, KBC, đều giảm hoặc đứng tham chiếu..

Trên sàn HNX, HNX-Index lại có diễn biến ngược với Vn-index, khi mở cửa tăng nhẹ, nhưng lại cắm đầu đi xuống cũng chỉ sau ít phút.

Cổ phiếu CEO sau phiên tăng mạnh và thanh khoản dồi dào hôm qua, sáng nay đã quay đầu giảm 1,9% và thanh khoản đang dẫn đầu với gần 2,5 triệu đơn vị được khớp.

Cổ phiếu có thanh khoản thứ 2 còn kém may mắn hơn, là PIV, khi vẫn đang nằm ở giá sàn, giảm 9,7% và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác cũng giao dịch thiếu tích cực như HKB, ACB, KVC, SHB đều đứng tham chiếu.

Trong top thanh khoản chỉ có VCG giữ được sắc xanh, hiện đang tăng 1,9% và khớp hơn 1,6 triệu đơn vị.

Trên sàn UpCoM, cổ phiếu LPB tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp, cộng thêm 0,7% và khớp hơn 800.000 đơn vị.

Cổ phiếu “lạ” QPH của CTCP Thủy điện Quế Phong sau rất nhiều phiên trắng thanh khoản, hôm nay bất ngờ tăng trần 14,9% lên 20.100 đồng/cổ phiếu và khớp tới hơn 550.000 đơn vị.

Lực bán sau đó tiếp tục gia tăng mạnh, nên dù nhận được sự hỗ trợ của SAB, VNM, ROS, DHG, nhưng VN-Index không thể đứng vững.

Chốt phiên sáng nay, sàn HOSE có 165 mã giảm và 69 mã tăng, VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,04%) xuống 830,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95,02 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.049 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, số mã giảm cũng áp đảo số mã tăng. Cụ thể, KBC giảm 1,1%, khớp 1,89 triệu đơn vị; MBB cũng giảm 1,1% và khớp 1,44 triệu đơn vị; HPG giảm 0,4% và khớp 1,39 triệu đơn vị; SBT giảm 0,4% và khớp 1,28 triệu đơn vị; NVL giảm 0,7% và khớp hơn 950.000 đơn vị..

Các mã tăng có HSG 1,4% và khớp lệnh dẫn đầu Vn30 với hơn 2 triệu đơn vị; VCB tăng nhẹ 0,2% và khớp hơn 1 triệu đơn vị; ROS tăng 6% và khớp hơn 900.000 đơn vị; VNM tăng 0,5% chỉ có gần 500.000 đơn vị được sang tay và chốt phiên, nhưng khối ngoại mua ròng mạnh gần 1 triệu cổ phiếu này trong phiên thỏa thuận; SAB vẫn chỉ có hơn 13.000 đơn vị được khớp và rung lắc mạnh, nhưng chốt phiên cũng kịp tăng 0,2%.

Nhóm cổ phiếu thị trường, FLC mất sắc xanh nhưng lại giành lại ngôi đầu thanh khoản với hơn 18,4 triệu đơn vị. Chốt phiên, FLC giảm 2,4%.

ASM ngược lại, nhường lại vị trí dẫn đầu cho FLC, nhưng lấy lại sắc xanh và khớp lệnh 5,27 triệu đơn vị và tăng 0,4%.

Cổ phiếu DAG của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á cũng có một phiên đột biến thanh khoản với hơn 1,06 triệu đơn vị được khớp và chốt phiên sáng tăng 2% lên 10.200 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, HHS đánh mất sắc tím vào cuối phiên và chỉ còn tăng 6,3% và khớp hơn 3,65 triệu đơn vị.

Các mã đứng sau 3 mã này đều giảm với HQC, HBC, HAI với thanh khoản lần lượt 3,35 triệu đơn vị, 2,69 triệu đơn vị và 2,69 triệu đơn vị. Trong đó, HAI đã có lúc xuống mức giá sàn.

Các mã tăng chỉ còn OGC, TCH, FIT. Còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ như IDI, HAG, ITA, HAR, FTM, TSC…

 Trên sàn HNX, chốt phiên lực cầu có đôi chút cải thiện, nhưng vẫn không thể giúp HNX-Index leo lên được tham chiếu. Cũng như VN-Index, số mã giảm trên sàn HNX cũng áp đảo, gấp gần 3 lần số mã tăng

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,63% điểm (-0,59%) xuống 106,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,91 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 432,06 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,11 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 13,17 tỷ đồng.

Các mã trong Top thanh khoản đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, KLF dẫn đầu với 5,63 triệu đơn vị và giảm 4,8%.

PIV và DST là 2 mã đứng ngay sau KLF với lần lượt 3,69 triệu và 3,03 triệu đơn vị được khớp, cả 2 chốt phiên sáng nay đều đang ở mức giá sàn. CEO, SHB HKB, PVS, SHN, PVV, HUT cũng giao dịch trong sắc đỏ, thậm chí PVV có phiên sàn thứ 3 liên tiếp.

Mã tăng duy nhất có thanh khoản khá là VCG, với 2,3 triệu đơn vị và tăng 1,4%. ACB phiên này cũng có 1,24 triệu đơn vị được khớp và đứng tham chiếu ở mức 31.900 đồng.

Trên sàn Up-CoM, cổ phiếu LPB tiếp tục giao dịch khá tốt, khi có hơn 2 triệu đơn vị được khớp và chốt phiên tăng 0,7%. Cổ phiếu QPH đánh mất sắc tím, nhưng vẫn tăng tới 14,3% và khớp hơn 740.000 đơn vị. Các mã đứng tiếp theo đều giảm hoặc đứng tham chiếu như DBD, DVN, VKD, ART, GEX, HVN…

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,03%) lên 52,81 điểm với tổng giá trị tương ứng hơn 5,96 triệu đơn vị, giá trị 133,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 92,39 tỷ đồng. Trong đó có hơn 5 triệu cổ phiếu của SCH.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn