* Có thể tiếp tục xu hướng đi ngang
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, phiên cuối tuần qua (24/9), thị trường chứng khoán Việt Nam tuy chỉ giảm nhẹ nhưng cổ phiếu giảm trên diện rộng khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục điều chỉnh từ đỉnh, đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng.
Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE giảm còn 16.724 tỷ đồng từ mức 21.771 tỷ đồng ở phiên trước đó (23/9), đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất trong tuần.
Thị trường đã đi ngang trong 3 tuần vừa qua trong bối cảnh chứng khoán thế giới biến động và nhóm cổ phiếu đầu cơ có dấu hiệu đạt đỉnh. Do vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang ở vùng 1.327 - 1.360 điểm khi dòng tiền trở nên thận trọng và giải ngân ở các phiên điều chỉnh, MBS nêu quan điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng, về kỹ thuật, phiên cuối tuần 24/9, VN-Index tiếp tục giao dịch giằng co khi lực cầu trên thị trường có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, các chỉ báo kỹ thuật đang cảnh báo về rủi ro điều chỉnh gia tăng, nhưng vẫn cho thấy khả năng duy trì xu thế tăng điểm trong ngắn hạn. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ đi ngang tích lũy trong vùng 1.350 ± 5 điểm trong các phiên tới, trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo.
"Nhà đầu tư ưu tiên theo dõi diễn biến của thị trường, hạn chế mua đuổi khi thị trường tăng điểm mạnh và tăng cường kiểm soát rủi ro danh mục hiện tại", BOS khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh trong hai phiên đầu tuần qua do tâm lý nhà đầu tư chịu tác động tiêu cực từ vụ khủng hoảng Evergrande, nhưng nhanh chóng hồi phục sau đó khi các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt hồi phục, nhất là sau tuyên bố từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kết tuần VN-Index có mức giảm nhẹ.
Điểm tiêu cực là khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 900 tỷ đồng trên hai sàn.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 27/9-1/10, VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.375-1.380 điểm nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm được giữ vững.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm thì chỉ số có thể hướng đến vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.325-1.340 điểm.
"Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại", SHS khuyến nghị.
Thực tế, sau ba tuần hồi phục liên tiếp thì cuối cùng thị trường đã điều chỉnh trong tuần qua. Cụ thể kết thúc tuần giao dịch từ 20 - 24/9, VN-Index giảm 1,47 điểm xuống 1.351,17 điểm; HNX-Index tăng 1,66 điểm lên 359,63 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó, trung bình khoảng 25.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 1,8% lên 107.830 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 15% lên 4.194 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,1% lên 18.774 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 9,8% lên 950 triệu cổ phiếu. Với việc tăng giảm trái chiều của hai sàn thì các nhóm cổ phiếu chủ chốt có sự phân hóa trong tuần qua.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 1,2% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như SHB tăng 0,7%, ACB tăng 1,3%, TCB tăng 1,7%, TPB tăng 2%, VCB tăng 2,4%, MBB tăng 3,1%...
Nhóm dịch vụ tiêu dùng với cùng mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa. Các mã tăng như DWG tăng 1%, MWG tăng 6,1%... Ngành hàng tiêu dùng tăng nhẹ 0,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ mức tăng từ mã trụ cột là VNM với 4,9%.
Ở chiều ngược lại, có khá nhiều ngành chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, ở mức 2,3% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu thép như: HSG giảm 2,4%, HPG giảm 1,9%, NKG giảm 1,3%... Các mã cổ phiếu hóa chất - phân bón như: DPM giảm 1%, DCM giảm 2%, DGC giảm 5,1%...
Ngành công nghệ thông tin giảm 1,7% giá trị vốn hóa. Các mã lớn trong nhóm này là CMG giảm 3,2%, FPT giảm 0,4%...
Nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp giảm 1,6% giá trị vốn hóa; dầu khí giảm 0,9%. Hai ngành là tiện ích cộng đồng và tài chính đều giảm 0,4%; dược phẩm và y tế giảm 0,1%.
Thực tế, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua khá tương đồng với các thị trường chứng khoán thế giới.
*Chứng khoán thế giới biến động mạnh
Các chỉ số chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong tuần qua khi giảm sâu vào 2 phiên đầu tuần, nhưng sau đó tăng mạnh trở lại. Nhờ vậy, tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,5% và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng gần 0,1%.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần qua. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Công ty quản lý tài sản toàn cầu Janus Henderson (Vương quốc Anh) Matt Peron, thị trường chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng phần nào từ những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch và những lo ngại về nợ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande.
Ông Matt Peron cho rằng thị trường chịu sức ép trong vài tuần qua, sau giai đoạn phục hồi mạnh. Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình của Evergrande khi có những lo ngại về những tác động ra toàn cầu.
Chuyên gia về đầu tư toàn cầu Alonso Garza tại Ngân hàng J.P. Morgan Private Bank ở Miami (Mỹ) cho rằng, các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Evergrande thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cũng như khối nợ lớn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng vấn đề của tập đoàn này gây ra những tác động bên ngoài Trung Quốc được cho là rất hạn chế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 22/9 cam kết không để xảy ra tình trạng đóng cửa một phần chính phủ như lo ngại và vỡ nợ công, điều có thể gây ra những xáo trộn của thị trường.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán giao dịch ngược chiều trong phiên 24/9; trong đó, chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc) đi xuống trước "sự yên ắng" của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande về việc thanh toán lãi trái phiếu. Điều này đã làm dấy lên sự bất ổn giữa các nhà đầu tư, vốn quan ngại về tác động lan rộng lên nền kinh tế nếu Evergrande sụp đổ.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 2,1% lên 30.248,81 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2% xuống 24.207,21 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,8% xuống 3.613,07 điểm.
Các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến Evergrande, trong bối cảnh không có dấu hiệu cho thấy tập đoàn này đã trả lãi cho các trái chủ nước ngoài trong ngày 23/9. Dù Evergrande có 30 ngày ân hạn để trả lãi trước khi bị coi là vỡ nợ, song việc thiếu thông tin đang khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Wellington và Jakarta giảm điểm, trong khi chứng khoán Đài Bắc và Manila tăng. Chứng khoán Mumbai đã leo lên mức cao kỷ lục, lần đầu tiên phá mốc 60.000 điểm./.

Nguồn: BNEWS/TTXVN