Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao bàn phím máy tính phổ biến ngày nay lại được sắp xếp theo quy tắc QWERTY lộn xộn theo 3 hàng cơ bản trông có vẻ rối rắm, thay vì chỉ cần đơn giản là đặt theo thứ tự bảng chữ cái từ đầu đến cuối là xong? Thực ra đây không hề là kết quả ngẫu nhiên hay là bắt nguồn từ một nhà phát minh xay xỉn nào đâu, mà đó thực sự là tính toán được chọn lọc kỹ càng, rút ra từ những nhược điểm trước đó.
Nguồn gốc của bàn phím đánh chữ QWERTY
Thế kỷ trước, khi bàn phím ra đời, đó còn là những máy đánh chữ cổ điển, cồng kềnh, phát ra tiếng "lạch cạch" rất vang tai chứ không mảnh dẻ và nhẹ nhàng như bây giờ. Cụ thể, đó là sản phẩm máy đánh chữ do Remington & Sons sản xuất vào năm 1984, do nhà thiết kế Christopher Sholes chế tạo và đã sử dụng luôn định dạng sắp xếp QWERTY ngay từ lúc đó.
Máy đánh chữ Remington cổ điển.
Với cấu tạo của máy đánh chữ cổ điển, khi nhấn tay vào chữ sẽ tác động đến các thanh sắt tương ứng, đóng phần khuôn chữ cái vào tấm in mực để in chữ lên trang giấy. Chính lực tác động dẫn truyền từ ngón tay đến các bộ phận sẽ giúp hoàn thành toàn bộ quá trình in mực này.
Tuy nhiên, chính vì thiết kế có ảnh hưởng phần lớn từ cơ học đó đã cấu thành nguyên nhân vì sao bàn phím QWERTY là thích hợp nhất. Được biết, ban đầu Sholes cũng quyết định chọn cách sắp xếp phím lần lượt theo bảng chữ cái truyền thống. Tuy nhiên, với thói quen cấu tạo từ ngữ khi đó, có quá nhiều chữ cái xuất hiện nhiều hơn số còn lại nhưng được đặt ở ngay cạnh nhau trên bàn phím. Vì thế, chọn gõ phím càng nhiều thì hiện tượng hỏng hóc phần thanh truyền động cơ học do bị tập trung tác động lực ở một khu vực gần nhau càng xảy ra liên tục nhiều hơn.
Bàn phím QWERTY đã được thiết kế và phổ biến từ rất lâu rồi.
Vậy giải pháp là gì? Sholes đã tự mình chế ra một cách sắp xếp chữ cái kiểu mới, sao cho các chữ cái thường được chọn gõ nhiều phải bị phân tán ra xa nhau một cách đồng đều trên toàn bàn phím. Thậm chí, phím nào càng có tần suất xuất hiện nhiều trong các từ ngữ thì lại càng bị đặt ở những nơi "hẻo lánh", xa vời để tránh lặp lại lỗi hỏng hóc trên.
Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác về nguyên nhân bàn phím sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái bị bỏ đi, được 2 nhà nghiên cứu Koichi Yasuoka và Motoko Yasuoka lần theo nhiều đầu mối và công bố vào năm 2011. Theo họ, cách sắp chữ theo bảng truyền thống khiến cho những người làm nhiệm vụ đánh máy bị bối rối và cảm thấy khó khăn khi truyền tin theo mã Morse. Dù là nguyên nhân nào đi nữa, chúng dần bị đào thải vì không phù hợp với thói quen và tính chất công việc, cuối cùng đi tới mẫu bàn phím QWERTY phổ biến như ngày nay.
Nguồn: NPQM/ttvn.vn