Cùng với sự phát triển của công nghệ, sau hơn 2 thập kỷ, những chiếc điện thoại di động đầu tiên với vỏ nhựa, kiểu dáng thô kệch đã “tiến hóa” thành smartphone tinh tế, hội đủ chức năng để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Chất liệu nhựa, màn hình nhỏ
Vào cuối những năm 1990, chất liệu phổ biến để tạo nên một chiếc điện thoại di động là nhựa. Điện thoại vỏ nhựa giúp nhà sản xuất thu được lợi nhuận cao, mang lại giá thành tốt hơn cho người dùng. Ngoài ra, nhựa cũng có độ dẻo dai đáng kể, giảm thiểu khả năng biến dạng của điện thoại và đa dạng về màu sắc, không làm ảnh hưởng đến khả năng thu phát tín hiệu của thiết bị.
Nhờ những ưu điểm này, ngày nay chất liệu nhựa vẫn được nhiều “ông lớn” tin dùng để sản xuất vỏ điện thoại. Tuy nhiên, nhựa cũng khiến điện thoại kém sang, dễ vấy bẩn và khó làm sạch.
Kim loại, tăng độ bền
Khắc phục nhược điểm trên của nhựa, chất liệu kim loại được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất vỏ điện thoại nhờ sự chắc chắn và mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Với khả năng tản nhiệt nhanh, nhiệt độ các linh kiện bên trong luôn được ổn định, gia tăng độ bền bỉ cho máy, đồng thời mang lại cảm giác mát lạnh dễ chịu khi cầm trên tay. Nhờ đó, kim loại được xem là một phần quan trọng trong trường phái tư duy thiết kế công nghệ.
Mặt lưng điện thoại bằng kim loại được khá nhiều người dùng yêu thích.
Tuy vậy, chất liệu này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Với kim loại nhẹ như nhôm, vỏ điện thoại sẽ dễ biến dạng khi va đập. Chất liệu này còn làm yếu đường truyền RF, tức truyền tín hiệu sóng di động LTE, Wi-Fi và Bluetooth.
Dùng kính tạo hiệu ứng gương
Kính bắt đầu được ứng dụng trong thiết kế điện thoại vào năm 2007. Smartphone với mặt lưng bằng kính có thể tạo chiều sâu khi được thêm lớp nền bên dưới (hiệu ứng gương), dễ dàng thu hút sự chú ý của mọi người.
Khắc phục nhược điểm cản trở hiệu năng của kim loại, kính gần như không gây ảnh hưởng đến chất lượng sóng Wi-Fi, di động hay sạc không dây. Đến nay, kính vẫn là chất liệu phổ biến cho dòng smartphone cao cấp của nhiều hãng điện thoại lớn trên thế giới. Tuy vậy, với chất liệu này, người dùng sẽ dễ bị tuột tay, gây trầy xước hay thậm chí vỡ.
Gốm nguyên khối
Chất liệu dùng trong chế tác điện thoại di động bước sang một trang mới đầy thú vị khi đầu năm 2016, Xiaomi tiên phong sử dụng chất liệu gốm độc đáo cho chiếc điện thoại Mi 5 Pro và sau đó là dòng Mi Mix 2. Ưu điểm của gốm kỹ thuật hóa là mang đến vẻ đẹp mới lạ, sang trọng và độc đáo cho smartphone.
Vỏ sau của Mi Mix 2 làm bằng gốm nguyên khối.
Smartphone vỏ gốm chắc khỏe hơn thép không gỉ, chống xước tốt như sapphire nhưng giá thành thấp hơn nhiều lần so với vàng. Nhờ trải qua quá trình chế tác phức tạp - nung ở 1.400 độ C trong 7 ngày, sau đó đưa vào máy CNC để khoan tạo hình, cuối cùng là đánh bóng bề mặt bằng bột kim cương, những chiếc điện thoại vỏ gốm sở hữu độ bóng cao, khó trầy xước hay nứt vỡ.
Bản thân gốm khi được đánh bóng kỹ lưỡng sẽ hạn chế tối đa khả năng bám dính của các chất liệu khác. Chất liệu đặc biệt này cũng không gây cảm giác nặng tay khi cầm, ngay cả với thiết kế gốm nguyên khối như Mi Mix 2 phiên bản đặc biệt.
Chất liệu gốm kỹ thuật hóa có khả năng tỏa nhiệt tốt, giúp người dùng thoải mái hơn khi sử dụng máy liên tục trong thời gian dài. Chất liệu này cũng được NASA - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ sử dụng trên tàu không gian khi hạ cánh về Trái Đất để ngăn những lớp bên trong tàu bị chảy nếu nhiệt độ tăng cao.
Gốm kỹ thuật hóa còn ghi điểm vì không cản sóng di động, Wi-Fi, Bluetooth, GPS.
Nhựa, kim loại, thủy tinh, gốm… chỉ là 4 đại diện tiêu biểu cho xu hướng sử dụng chất liệu trong thiết kế smartphone những năm gần đây. Bên cạnh đó, còn một số chất liệu độc đáo khác như: da, gỗ, sa thạch đen, liquidmorphium… Mỗi chất liệu sở hữu thế mạnh và hạn chế riêng, nhưng nhìn chung, chúng vẫn là minh chứng sống động cho quá trình “tiến hóa” mạnh mẽ không ngừng của smartphone, là tiền đề cho nhiều cải tiến thú vị trong tương lai.
Nguồn: Hà Mỹ Giang/Zing.vn