Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, đã bắt đầu xuất hiện nhiều lời tiên đoán về sự ra đời của những xã hội phi tiền mặt (cashless society) đầu tiên trên thế giới, nơi tiền mặt được thay thế hoàn toàn bởi các loại thẻ và thanh toán trực tuyến.
Lời tiên đoán này sẽ sớm trở thành hiện thực trong 5-10 năm tới, khi một số quốc gia phát triển tại châu Âu và châu Á đã tiến rất gần tới kịch bản “phi tiền mặt”. Với nhiều lợi ích đi kèm như việc làm giảm tỉ lệ trộm cắp và mang lại thuận lợi cho người tiêu dùng, một xã hội phi tiền mặt nảy sinh nhiều thách thức mới thông qua các dạng tội phạm công nghệ cao, cũng như nỗi lo ngại các tập đoàn và chính phủ giờ đây có thể kiểm soát người dân nhiều hơn trước.
Giấy sắp nhường chỗ cho nhựa và số?
Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương nước này (BOK) đang lên kế hoạch xây dựng một “xã hội phi tiền mặt” vào năm 2020. BOK cũng giảm dần lượng tiền mặt được in hằng năm: chỉ riêng năm ngoái, BOK đã cho giảm lượng phát hành tờ 10.000 won tới 12,3%. Cuối năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã bật đèn xanh cho việc thành lập 2 ngân hàng trực tuyến đầu tiên, trong đó một ngân hàng thuộc về Kakao Corp (hãng phát triển phần mềm nhắn tin KakaoTalk), ngân hàng còn lại thuộc về Tập đoàn Viễn thông KT.
Ở Thụy Điển, người dân đã có thể mua báo từ những người vô gia cư hay góp tiền cho nhà thờ bằng thẻ tín dụng, vì gần như nơi nào cũng được trang bị máy đọc thẻ. Lượng tiền mặt được lưu hành ở Thụy Điển hiện chỉ chiếm 2% GDP nước này và các ngân hàng đã giảm tới gần 60% lượng tiền mặt cất giữ. Có tới hơn 1/3 dân số Thụy Điển đang sử dụng hệ thống chuyển tiền di động Swish. Trong năm 2015, đã có tới hơn 80 triệu giao dịch Swish được thực hiện tại quốc gia chưa tới 10 triệu dân này. Vì thế, Thụy Điển đang được nhiều người xem là sẽ sớm trở thành xã hội phi tiền mặt đầu tiên của thế giới.
Tại Mỹ, theo khảo sát của Bankrate.com, có tới gần 10% người dân nước này hiện không mang theo bất kỳ một đồng tiền nào trong ví. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Mỹ cũng thực hiện chương trình chuyển tiền trợ cấp xã hội thông qua hệ thống điện tử (Electronic Benefits Transfer - EBT), với tổng số tiền giải ngân qua EBT đạt 70 tỉ USD trong năm 2014.
Gần đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cựu Hiệu trưởng Đại học Harvard, ông Larry Summers thậm chí còn kêu gọi Chính phủ nên khai tử tờ 100 USD với lý lẽ rằng các loại giấy bạc mệnh giá lớn là trợ thủ đắc lực cho hoạt động tài chính của giới tội phạm và khủng bố. Với một lý do gần tương tự, hồi năm ngoái, Chính phủ Pháp đã cấm các giao dịch có trị giá trên 1.000 euro bằng tiền mặt.
Theo khảo sát của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Mỹ (NBER), chương trình EBT đã làm giảm tỉ lệ tội phạm tới 9,8%. Ở Thụy Điển, số vụ cướp ngân hàng đã giảm tới 22 lần trong giai đoạn 2008-2012 và có lần kẻ cướp đã phải bỏ đi sau khi tấn công nhầm vào một chi nhánh không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, một lợi ích nữa là giảm chi phí xử lý, vận chuyển và cất giữ tiền mặt. Theo Phó Chủ tịch Michael Fiore của MasterCard, các khoản chi phí này thường chiếm tới 1,5% GDP quốc gia. Ở Hàn Quốc, nhà phân tích Kwak Hyun-soo của Tập đoàn Shinhan đã ước tính giảm thiểu sử dụng tiền mặt có thể giúp nước này tiết kiệm khoảng 0,1-1,1% GDP.
Những hiểm họa chực chờ
Mặc dù vậy, xã hội phi tiền mặt sẽ tạo điều kiện cho các hình thức tội phạm kiểu mới lên ngôi. Thụy Điển chỉ có 9,6 triệu dân nhưng số vụ lừa đảo trực tuyến đã tăng lên tới 140.000 trong năm 2014, gấp đôi so với năm 2004.
Một trong những hình thức tội phạm lâu đời nhất của thế giới mạng chính là đánh cắp thông tin thẻ tín dụng. Theo các công ty bảo mật iovation và Aite Group, đánh cắp thông tin thẻ sẽ gây thiệt hại ít nhất 4 tỉ USD tại Mỹ trong năm nay. Ngoài ra, theo Javelin, số nạn nhân bị đánh cắp thông tin thẻ tại Mỹ trong năm 2015 đã lên tới 11,6 triệu người, tăng gần 14% so với năm 2016. Nhiều nước đang chuyển đổi từ công nghệ thẻ từ sang thẻ gắn chip (EMV) sẽ làm tăng độ bảo mật cho người dùng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các hacker tăng cường mật độ tấn công trong vòng vài năm tới để dự trữ trước cho tình trạng “thiếu ăn”.
Tuy nhiên, chuyển sang sử dụng thẻ EMV thực chất chủ yếu cũng chỉ ngăn chặn được giao dịch gian lận tại các cửa hàng. Giới hacker không thiếu cách đánh cắp mã CVV2 đằng sau mỗi tấm thẻ để sử dụng cho các giao dịch trực tuyến. Theo Juniper Research, giao dịch gian lận trực tuyến đã gây thiệt hại tới 10,7 tỉ USD trên toàn cầu trong năm 2015 và sẽ tăng lên thành 25,6 tỉ USD trong năm 2020, chiếm 0,4% tổng giá trị giao dịch trực tuyến. Đáng lo ngại hơn, công nghệ mạng ẩn danh Tor do chính hải quân Mỹ phát triển nay đã vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng loạt trang web ngầm chuyên buôn bán thông tin thẻ tín dụng, với cái giá khoảng 6-25 USD cho mỗi bộ thông tin có đi kèm mã CVV2.
Ngay cả với các công nghệ thanh toán di động đã được đầu tư và phát triển kỹ lưỡng để tích hợp cả yếu tố phần mềm lẫn phần cứng như Apple Pay, Google Wallet và Samsung Pay, vẫn không thiếu rủi ro tiềm ẩn. Chỉ trong đầu năm 2016, một nhóm nghiên cứu ở Đại học Michigan State (Mỹ) đã phát hiện khả năng đánh lừa thiết bị nhận dạng vân tay trên điện thoại Samsung chỉ bằng một dàn máy in giá 500 USD.
Ngoài ra, thông qua sự thuận tiện của các công cụ thanh toán mới, nhiều hacker đã thực hiện những phi vụ vô tiền khoáng hậu. Trong giai đoạn năm 2013-2014, phần mềm tống tiền (ransomware) mang tên CryptoLocker đã làm mưa làm gió khắp thế giới, bằng cách bí mật mã hóa lại toàn bộ dữ liệu trên các máy tính bị nhiễm và buộc chủ nhân phải đóng tiền chuộc. Số tiền này phải được chuyển qua các hình thức thanh toán trực tuyến mới vừa không cho phép tìm ra người nhận lại vừa hoạt động rất nhanh như UKash, MoneyPak và tiền điện tử Bitcoin.
Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi tung ra CryptoLocker, các “tác giả” đã thu về gần 30 triệu USD. Trong năm ngoái, một biến thể mới của CryptoLocker là CryptoWall đã thu về tới 325 triệu USD. Tiền ảo Bitcoin, vốn từng một thời được tung hô là đồng tiền của tương lai, cũng đã chứng kiến không ít vụ đánh cắp kinh thiên động địa trong lịch sử mới có 7 năm của mình. Năm 2014, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới là Mt. Gox đã phải tuyên bố phá sản sau khi bị hacker tấn công và lấy mất một lượng bitcoin trị giá 460 triệu USD. Đầu năm nay, một sàn giao dịch khác là Cryptsy vừa thú nhận bị đánh cắp một lượng Bitcoin và Litecoin trị giá gần 10 triệu USD hồi năm 2014 và đang có nguy cơ phá sản.
Không chỉ có giới tội phạm, ngay cả các sai lầm của bộ máy hành chính cũng có thể gây khó khăn cho người dân, khi mà việc tịch thu tiền trở nên quá dễ dàng và nhanh chóng. Năm 2014, công ty buôn bán kim loại quý Marla Enterprises ở Mỹ từng bị Chính phủ tịch thu 115.000 USD vì nghi ngờ hoạt động phi pháp. Sau hơn nửa năm theo đuổi kiện tụng, Chính phủ đã thừa nhận sai lầm và hoàn trả lại tiền cho Marla, nhưng lại đòi một khoản án phí lên tới 25.000 USD.
Giờ đây, ngay cả các ngân hàng cũng khó thoát khỏi sự đe dọa của giới hacker. Hồi tháng 2 vừa qua, vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Bangladesh (BB) để đánh cắp 81 triệu USD đã làm chấn động cả thế giới. Nguyên nhân chính dẫn tới sơ hở đến từ chính sách an ninh quá sơ sài của ngân hàng này: không buồn trang bị tường lửa, sử dụng những bộ router mạng cũ kỹ giá vỏn vẹn 10 USD và cảnh sát còn nghi ngờ đã có nội gián tiếp tay cho hacker. Lẽ ra, BB có thể đã bị đánh cắp tới gần 1 tỉ USD nếu các hacker không mắc phải lỗi chính tả trong một lệnh chuyển tiền.
Đến ngày 15.5, Ngân hàng TPBank tại Việt Nam cho biết hồi cuối năm ngoái, họ cũng từng bị tấn công thông qua các lệnh giao dịch giả trên SWIFT với trị giá 1 triệu euro. May mắn thay, vụ tấn công này đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Theo điều tra từ BAE Systems, các thủ phạm của vụ này có nhiều khả năng cũng đứng đằng sau vụ tấn công vào BB, thông qua việc sử dụng các thủ thuật tương tự.
Liệu một xã hội phi tiền mặt sẽ thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, hay chỉ đơn giản là thay thế các vấn đề cũ bằng những vấn đề mới? Đó chắc chắn sẽ còn là câu hỏi được tranh luận quyết liệt trong vòng 10 năm sắp tới.
Nguồn: Tuấn Minh/Nhipcaudautu.vn