Những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện một số Hiệp định Thương mại với các nước và các chính sách linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân vì ngành công nghiệp điện tử đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Để tận dụng các cơ hội này, các nhà đầu tư và doanh nhân phải nắm bắt được những diễn biến gần đây. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Việt Nam là nơi lý tưởng để đầu tư kinh doanh trong ngành này nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu điện tử chủ lực, xếp thứ 12 trên thế giới. Xuất khẩu tăng ổn định, mức tăng trung bình 12 tỷ USD mỗi năm, từ 47,3 tỷ USD lên 96,9 tỷ USD vào năm 2019. Từ năm 2015-2019, nhập khẩu các mặt hàng điện tử tăng gần 2 lần.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam rất đa dạng. Năm 2019, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 19,3%, tiếp sau là Mỹ (18,2%) và Hàn Quốc (9,1%). Đầu tư nước ngoài và các công ty nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ giúp giảm thuế quan thương mại và thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam, giúp hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định này sẽ giảm dần hầu hết các loại thuế quan, hàng rào quy định và các rào cản để tạo cơ hội kinh doanh cho cả hai bên.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam đã khiến xã hội phải thực hiện giãn cách, hạn chế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa. Bất chấp các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu để thiết lập các nhà máy sản xuất điện tử.
Theo một báo cáo gần đây của Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2021 nhờ “triển khai tiêm chủng vaccine toàn cầu và nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu chủ lực tăng mạnh”.
Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế, vốn giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến triển vọng trong khu vực khi các nhà cung ứng bắt đầu khai thác tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dòng người mua lần đầu.
Với những diễn biến quan trọng gần đây của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trong khu vực, qua đó thu hút các nhà đầu tư và doanh nhân nên không bao giờ là quá muộn để tận dụng tối đa thị trường tiềm năng của Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đã quay trở lại và tác động tiêu cực đến nền kinh tế tăng trưởng của Việt Nam. Điều đó đòi hỏi các nhà đầu tư và doanh nhân phải có cách tiếp cận cẩn thận và hiểu rõ về ngành trước khi đầu tư vào bất kỳ dự án nào trong tương lai.

Nguồn: VIỆT AN/TGVN