Kỳ I: Nhu cầu bức thiết

Mặc dù chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho việc quản lý và phát triển, song do nhu cầu bức thiết nên trong thời gian qua, tại các địa phương, các CCN đã được hình thành và phát triển mạnh, bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất làng nghề.

Kết quả điều tra làng nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2014, hiện cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động. Các làng nghề đã đóng góp một phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Các cơ sở sản xuất của làng nghề cũng ngày càng phát triển cả về quy mô và số lượng. Cùng với sự phát triển của làng nghề, do mở cửa, hội nhập nên số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng mạnh hàng năm, nhưng phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Đến ngày 31/12/2015, cả nước có khoảng 600.000 DNVVN đang hoạt động.

Mặc dù với số lượng đông, đóng góp lớn (khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước), nhưng phần lớn các DNVVN có cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư và rất khó có đủ điều kiện cả về vốn và quy mô sản xuất để đầu tư vào các khu công nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp khó có điều kiện mở rộng nhà xưởng khi có nhu cầu. Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là thách thức đối với các doanh nghiệp. Trước thực tế đó, việc hình thành các CCN theo các chuyên gia là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất quan tâm và đánh giá cao vai trò của CCN. Thời gian qua, nhiều CCN được thành lập đã nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp.

Ông Cao Đình Phong - Giám đốc Công ty thêu xuất khẩu Vân Anh - một doanh nghiệp trong CCN An Xá (TP.Nam Định) tỏ ra rất phấn khởi khi nói về vai trò của CCN. Ông Phong cho biết, trước khi chuyển vào CCN, do thiếu mặt bằng nên doanh nghiệp phải sản xuất ở 2 nơi. Vì ở xen lẫn khu dân cư, tiếng ồn ảnh hưởng đến dân nên sản xuất không đảm bảo tiến độ của khách hàng. Từ ngày hình thành CCN, có mặt bằng tốt nên công ty phát triển đều, lúc đầu chỉ có 6 máy, giờ đã đầu tư tới 14 máy, đảm bảo cho khách hàng cả tiến độ và chất lượng. Với vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng như giao thông, điện nước và hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản nên CCN đã nhanh chóng được lấp đầy 100%.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng CCN Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định) - cho biết, CCN Xuân Tiến được quy hoạch, xây dựng trên cơ sở di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề cơ khí Xuân Tiến. CCN có diện tích 15,6 ha - một trong những CCN sớm đạt 100% tỷ lệ lấp đầy. Phần lớn doanh nghiệp trong CCN phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, trong làng nghề hiện còn hàng nghìn cơ sở sản xuất đang “chen chúc”. Các cơ sở này thường có quy mô nhỏ có 1-2 máy công cụ, khoảng 5-7 lao động tham gia sản xuất. Nếu được tạo điều kiện, các cơ sở sản xuất trong làng sẵn sàng chuyển vào CCN.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Dương Văn Viễn - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề đúc đồng Lộng Thượng - tâm sự: Lộng Thượng có 150/200 hộ dân trong làng làm nghề đúc đồng. 100% người làm nghề của Lộng Thượng muốn được ra CCN. Dù vậy, do nhiều vướng mắc nên CCN ở đây chưa được bố trí đất và người dân vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm khói bụi, nóng bức do các lò đúc gây ra.

Giống như Xuân Tiến, Lộng Thượng, hiện còn rất nhiều làng nghề trên cả nước được xếp vào diện báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm môi trường cần được quy hoạch tập trung riêng. Nhu cầu phát triển CCN tại các địa phương này rất bức thiết. Thế nhưng, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn chưa hình thành được CCN, người dân vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm.

Kỳ II: “Loạn” quy hoạch

Nguồn: Hải Nam- Việt Nga/Báo công thương điện tử