Các bức ảnh Google Maps cập nhật gần đây cho thấy hàng nghìn ô tô đậu trên một đường băng lớn từng được sử dụng cho máy bay cất/hạ cánh.
Đó là ảnh chụp sân bay Ahlhorn (Đức), nơi vốn được dùng để cất giữ những chiếc xe Mercedes-Benz chưa được hoàn thiện để bán ra thị trường.
Nhưng hình ảnh mới cho thấy dường như sân bay đang trở nên chật chội hơn, cho thấy một lượng lớn xe chưa được hoàn thiện tiếp tục đổ ra sân bay bị bỏ hoang này.
Theo Autoevolution, nguyên nhân là do tình trạng thiếu chip đã quay trở lại. Khi khủng hoảng thiếu chip dường như tạm lắng xuống thì hình ảnh Google Maps một lần nữa hé mở những thách thức cũ.
Xe đời càng mới thì càng đòi hỏi nhiều chip. Nếu không, gương gập điện, dàn âm thanh đắt tiền hay các tính năng hỗ trợ người lái không thể hoạt động.
Như vậy, người mua buộc phải chờ hàng tháng mới được nhận xe, trong khi các hãng như Mercedes-Benz phải chi thêm tiền để vận chuyển những chiếc xe thiếu sót từ Nhà máy Bremen đến sân bay Ahlhorn. Tổng khoảng cách là 120km cho cả lượt đi và về.
Hình ảnh Google Maps cho thấy sân bay Ahlhorn đã trở nên đông đúc hơn xưa. Đây là bãi tập kết những chiếc xe Mercedes-Benz chưa được hoàn thiện - Ảnh: Autoevolution
Theo trang buten un binnnen, người phát ngôn của Mercedes-Benz cho biết có sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đối với “một số linh kiện bán dẫn”, nhưng họ vẫn tự tin rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời. Nhà sản xuất ô tô Đức vẫn tiếp tục giới thiệu những mẫu xe mới.
Không chỉ hãng xe Đức mới gặp vấn đề. Gần đây, Renault của Pháp cũng cho biết đang gặp phải vấn đề với nguồn cung chip, đến mức một nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. General Motors của Mỹ khẳng định tình trạng thiếu chip sẽ tiếp tục diễn ra sau năm 2023.
Nhìn chung, Mercedes-Benz vẫn đang hoạt động bình thường và công việc hiện tại chưa bị đình trệ. Một đại diện của công đoàn cho biết hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục và dự đoán rằng cuộc khủng hoảng thiếu chip sẽ kết thúc vào năm 2023.
Một số hình ảnh sân bay Ahlhorn năm 2019 - Ảnh: Bloomberg, Auto Bild
Chỉ có thời gian mới có thể khẳng định dự đoán của các hãng xe có chính xác hay không. Cho đến lúc đó, các nhà sản xuất ô tô có thể gặp khó khăn khi các nền kinh tế lớn đang tăng trưởng chậm lại trong khi tốc độ sản xuất tăng.
Điều này có thể dẫn đến một thời điểm mà nền kinh tế chuyển từ trạng thái thiếu hàng tồn kho (thiếu cung thừa cầu) sang chiết khấu/giảm giá mạnh tay để thu hút người mua (thừa cung). Dù là ở trạng thái nào thì cũng không phải là một nền kinh tế khỏe mạnh.