I. TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
1. Đánh giá tổng quan tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU 5 tháng đầu năm
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng bất ổn an ninh, chính trị diễn ra tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu; kinh tế thế giới bước đầu phục hồi nhưng còn chậm; thiên tai, biến đổi khí hậu tác động tới kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.
Tình hình kinh tế trong nước cũng thuận lợi hơn năm 2023, trong 5 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung của cả nước đạt 156,28 tỷ USD, tăng 15,57% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng phục hồi đạt trên 13,18 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn, bao gồm cả những căng thẳng từ cuộc chiến ở Ukraina - Nga và xung đột tại dải Gaza, cùng với lạm phát cơ bản dai dẳng, thị trường lao động vẫn thắt chặt, có thể làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất tại các thị trường kinh tế lớn.
Trong các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam thì châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường rộng lớn, tiềm năng nhưng cũng rất khó tính. Việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này trong những năm gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ, song vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam và thị trường đầy tiềm năng này. Sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU được ký kết, ngành Dệt may được cho là hưởng lợi nhiều nhất.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt trên 13,18 tỷ USD, tăng 4,2% so với 5 tháng đầu năm 2023; Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang EU chiếm 11,15% trong tổng kim ngạch, đạt trên 1,47 tỷ USD, giảm 2,29%.
2. Cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng dệt may sang EU
Trong 5 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang 26 thị trường trong khối EU; trong đó, Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan và Đức tháng 5/2024 tăng so với tháng 4/2024, tăng lần lượt 25,99% và 24,87%, nhưng so với tháng 5/2023 vẫn giảm 8,75% và giảm 21,85%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Đức đạt 271,64 triệu USD, giảm 22,27% so với 5 tháng đầu năm 2023 và sang Hà Lan đạt trên 433,79 triệu USD, tăng 14,04%.
Trong số 26 thị trường xuất khẩu hàng dệt may trong khối EU 5 tháng đầu năm 2024; thì có 6 thị trường lớn đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trở lên; ngoài 2 thị trường lớn nhất là Hà Lan và Đức nói trên, tiếp theo là các thị trường như: Tây Ban Nha đạt trên 202,9 triệu USD, giảm 0,45% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Bỉ đạt gần 157,39 triệu USD, giảm 0,9%, chiếm 10,7%; Pháp đạt trên 156,99 triệu USD, giảm 3,95%, chiếm 10,68%; Italia đạt gần 130,17 triệu USD, tăng 6,28%, chiếm 8,85%.
3. Cơ cấu chủng loại hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU
Trong số các chủng loại hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU 5 tháng đầu năm 2024, thì các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ không dệt kim hoặc móc (mã HS 62) được xuất khẩu được nhiều nhất, đạt trên 661,8 triệu USD, chiếm 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU. Trong đó, các loại quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc bằng sợi tổng hợp của nam giới hoặc trẻ em trai (không bao gồm dệt kim hoặc móc, quần lót và đồ bơi) đạt kim ngạch cao nhất 94,31 triệu USD, chiếm 6,4% trong tổng kim ngạch và được xuất khẩu sang 23/26 thị trường.
Đứng thứ hai về kim ngạch là các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc đạt giá trị trên 576,5 triệu USD, chiếm 39,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU. Trong đó, các sản phẩm Áo phông, áo ba lỗ (singlet) và các loại áo lót khác, dệt kim hoặc móc làm từ các vật liệu dệt khác đạt trên 91,83 triệu USD, chiếm 6,25% tỷ trọng, được xuất khẩu sang các thị trường Ba Lan, Bỉ, Áo, Đức, Hà Lan, Slovakia, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Tiếp đến nhóm hàng Áo phông, áo ba lỗ (singlet) và các loại áo lót khác, dệt kim hoặc móc làm từ bông đạt trên 74,25 triệu USD, chiếm 5,05% tỷ trọng, được xuất sang các thị trường Bỉ, Hà Lan, Slovakia, Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan, Đức, Rumani, Cộng hòa Séc và Thụy Điển.
Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu các nhóm hàng dệt may chủ đạo sang thị trường EU trong 5 tháng đầu năm nay thì thấy đa số các nhóm hàng sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023; trong đó giảm mạnh nhất là các loại Áo sơ mi nam giới hoặc trẻ em trai, dệt kim hoặc móc làm từ bông chỉ đạt 13,68 triệu USD, giảm 50,5%, xuất khẩu sang thị trường Italia, Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ. Tiếp theo nhóm sản phẩm Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, áo blazer, váy liền thân , chân váy (skirt), chân váy dạng quần, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc (trừ quần áo bơi) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái làm từ sợi tổng hợp đạt 19,75 triệu USD, giảm 42,84%, xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức, AiLen.
Tuy nhiên, vẫn có một số mã hàng tăng mạnh về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, như Quần tất, quần nịt, bít tất dài (trên đầu gối), bít tất ngắn và các loại hàng bít tất dệt kim khác, kể cả nịt chân (ví dụ, dùng cho người giãn tĩnh mạch) và giày, dép không đế, dệt kim hoặc móc làm từ bông) cũng tăng rất mạnh trên 50%, đạt 18,52 triệu USD.
Tiếp theo là Áo khoác, áo jacket nam nữ bằng lông vũ, bằng vải chính cũng tăng mạnh 21,53%, đạt 14,61 triệu USD, xuất khẩu sang các thị trường Ai Len, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha.
II.NHU CẦU TIÊU THỤ HÀNG DỆT MAY CỦA EU
Nhập khẩu hàng dệt may 2 tháng đầu năm 2024 của các nước trong khối EU tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức cao. Theo số liệu thống kê của Trademap, kim ngạch nhập khẩu các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc (mã HS 61) 2 tháng đầu năm 2024 vào thị trường EU đạt trên 15,12 tỷ USD, giảm 8,78% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị phần hàng dệt may của Việt Nam chỉ chiếm 3,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU nên dư địa cho Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi Việt Nam có lợi thế về EVFTA nếu đáp ứng đủ được các cam kết trong Hiệp định.
Trong số 27 thị trường thuộc khối EU tham gia nhập khẩu nhóm hàng dệt may mã HS61 trong 2 tháng đầu năm 2024, thì Đức là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, với gần 338 tỷ USD, tăng 12,33% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 22,35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mã hàng này của toàn khối EU.
Tiếp đến thị trường Pháp đạt 1,89 tỷ USD, tăng 10,28%, chiếm 12,5%; thị trường Italia đạt gần 1,53 tỷ USD, tăng 10,54%, chiếm 10,1%; Hà Lan đạt gần 1,52 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 10,05% trong tổng kim ngạch.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Đức dẫn đầu về kim ngạch, với trên 3,27 tỷ USD, tăng 9,87% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 21,71% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mã hàng này của toàn khối EU. Tiếp đến thị trường Pháp đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 2,82%, chiếm 13,93%; thị trường Italia đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 9,37%, chiếm 9,91%; Tây Ban Nha đạt trên 1,62 tỷ USD, tăng 3,62%, chiếm 10,75% trong tổng kim ngạch.
III. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM
Năm 2024, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống, nhu cầu hàng dệt may hồi phục trở lại. Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn năm 2023. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may, do đó, những tín hiệu này cho thấy triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.
Dệt may cũng là ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Theo đó, kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp và cũng là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với những khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này. Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia…
Căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển sang EU tăng, là rủi ro cho các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang EU cao. Bởi dù hầu hết các doanh nghiệp dệt may đang xuất khẩu theo điều kiện FOB (người mua hàng chịu chi phí vận chuyển), nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ sẽ tác động lên thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam. Đơn hàng dự kiến gia tăng, nhưng vẫn sẽ có rủi ro diễn ra cuộc chiến giá cả của các nhà cung cấp trong ngành, khiến biên lợi nhuận năm 2024 chưa thể cải thiện nhiều. Chưa kể, các thị trường đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn về sản phẩm dệt may nhập khẩu.
EU đã phát động chiến dịch thiết lập lại xu hướng, giải quyết tất cả tác nhân trong ngành may mặc: Nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng và nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu. Mục tiêu của chiến dịch là đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo, trong khi việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu. Đây là lý do các doanh nghiệp đòi hỏi các sản phẩm dệt may phải được sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, có thể tuần hoàn…
Hiệp định FTA Việt Nam - EU mang lại cơ hội lớn cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức. Bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng chính là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào, hiện chỉ đáp ứng được chưa tới 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ. Sản lượng sợi đạt trên 1 triệu tấn/năm, trong đó gần 70% xuất khẩu. Sợi sử dụng trong nước chủ yếu nhập khẩu (tương đương lượng sợi xuất khẩu, nhưng chất lượng cao hơn) từ Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%. Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,5 tỷ mét vải/năm (chiếm 18% nhu cầu). Trong khi đó, nhập khẩu vải tới 6,7 tỷ mét, chiếm trên 80% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Thế mạnh của dệt may Việt Nam là ở công đoạn may. Tuy nhiên, phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu, chiếm 70%; phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác (FOB I và FOB II) chỉ ở khoảng 20%; phương thức sản phẩm bao gồm cả thiết kế (ODM) là 9% và phương thức sản xuất và tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài (OBM) chỉ vỏn vẹn 1%. Vì thế, hiệu quả thấp và giá trị tăng thêm của hàng dệt may xuất khẩu chỉ chiếm trên 50%. Như vậy, may xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước thành viên Hiệp định Việt Nam - EU.