Thông tin trên được Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2023-2028) Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức vào chiếu 28/3 tại TPHCM.
Theo đó, xuất khẩu sản phẩm cao su từ năm 2018 đến nay có mức tăng mạnh về kim ngạch và năm 2022 được xem là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021.
Lốp xe vẫn là mặt hàng sản phẩm cao su được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong nhiều năm nay. Cụ thể, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2,2 tỷ USD tăng 22,7% so với năm 2021, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và thị trường chủ chốt vẫn là Hoa Kỳ với nhu cầu nhập khẩu chủ yếu là lốp ô tô con và lốp xe tải.
Ước tính có khoảng từ 13,7 triệu đến 13,9 triệu xe mới được bán vào năm 2022 tại Hoa Kỳ và được kỳ vọng tăng trong năm 2023 khi nhu cầu tăng cao từ người tiêu dùng và doanh nghiệp sau nhiều năm tồn kho xe khan hiếm trong thời kỳ đại dịch.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu sản phẩm cao su trong giai đoạn từ 2018 đến nay vẫn có đà tăng nhẹ, chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc với các mặt hàng linh kiện và cao su kỹ thuật, đế giày... Ngoài ra, tuy Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn về lốp xe nhưng vẫn còn phải nhập nhiều chủng loại mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu từ thị trường Thái Lan do các nhà máy sản xuất lốp xe của những thương hiệu lớn như Brigdestone, Michelin, Goodyear... đều có nhà máy tại Thái Lan, nên việc nhập khẩu từ thị trường này sẽ giúp giảm được các chi phí vận chuyển cũng như giá thành sản phẩm.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su cho biết, trong giai đoạn 2018 – 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành cao su Việt Nam vẫn giữ vững vị thế nước sản xuất, xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới, với hoạt động xuất khẩu ba nhóm mặt hàng sản phẩm cao su, cao su thiên nhiên, gỗ và sản phẩm gỗ cao su từ năm 2018 đến năm 2022 duy trì mức tăng trưởng tích cực. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của cả nước, tăng 9,1% so với năm 2021.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng biểu dương những thành tích mà Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ V (2018-2023). Đặc biệt, ông Nam đánh giá cao vai trò của Hiệp hội trong các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin kịp thời giúp các cấp lãnh đạo có cơ sở định hướng chính sách phù hợp, kịp thời. Bên cạnh đó, mô hình quản lý chất lượng cao su thiên nhiên, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cao su Việt Nam do Hiệp hội Cao su Việt Nam nghiên cứu, để xuất đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, hiện cao su là nông sản đầu tiên và duy nhất có nhãn hiệu chứng nhận, qua đó từng bước góp phần xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam.
Trước xu hướng chuyển dịch hướng tới sản xuất bền vững, ông Nam đề nghị ngành cao su cần chú trọng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tăng cường chế biến sâu. Bên cạnh đó, cần từng bước hình thành ngành cao su phụ trợ, tiếp tục phát triển thương hiệu ngành và tổ chức ngành cao su theo chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
 

Nguồn: Haiquanonline