Các nhà xuất khẩu xi măng cũng cần ý thức được rằng, nếu Trung Quốc ngưng các chính sách kích cầu cơ sở hạ tầng, sản lượng xuất khẩu sẽ giảm khoảng 25 - 30% trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, ước tiêu thụ xi măng đạt khoảng 10,79 triệu tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 6,49 triệu tấn, xuất khẩu ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn.
Trong khi đó, xuất khẩu xi măng, clinker đạt con số khá ấn tượng khoảng 19,26 triệu tấn và tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó riêng Vicem xuất khẩu khoảng 8,87 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay giá trung bình xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 37,7 USD/tấn.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất, đạt 7,38 triệu tấn, tương đương 257,93 triệu USD, chiếm 49,4% trong tổng lượng và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt trung bình 35 USD/tấn.
Xuất khẩu xi măng, clinker trong 7 năm gần đây
Tại Báo cáo triển vọng ngành Thép - Tôn mạ 2021, Trung Quốc đã huy động thêm được 530 tỷ USD từ trái phiếu chính quyền địa phương. Trong đó, thống kê giải ngân cho mảng hạ tầng và khu công nghiệp đã tăng mạnh lên mức 34%, tương đương với 163 tỷ USD (so với tỷ lệ giải ngân 1.3% trong năm 2019).
Kích cầu đầu tư công của Trung Quốc đã tạo sức ảnh hưởng tích cực tới cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng ở các nước xung quanh, cụ thể ở Việt Nam là ngành thép và xi măng, hai nguyên liệu cơ bản nhất trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng.
Xi măng xuất khẩu sang Philippines, thị trường lớn thứ 2 trong 4 tháng, đạt 2,51 triệu tấn, tương đương 111,7 triệu USD, giá 44,5 USD/tấn, tăng đến 57,3% về lượng, tăng 47,3% kim ngạch, nhưng giảm 6,4% về giá, chiếm 16,8% trong tổng lượng và chiếm 19,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước. Nhưng Philippines đang cáo buộc Việt Nam bán phá giá mặt hàng này, ảnh hưởng nền sản xuất xi măng trong nước.
Thị trường lớn thứ 3 là Bangladesh, chiếm 12,5% trong tổng lượng và chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch xi măng và clinker xuất khẩu của cả nước, đạt 1,87 triệu tấn, tương đương hơn 63 triệu USD, tăng 38% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ. Hay Peru đạt hơn 288.000 tấn, giá trị gần 12,2 triệu USD tăng hơn 24% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường khác nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam gồm có Malaysia, Đài Loan, Australia, Indonesia, Lào,...
Với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất còn lớn hơn, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường trong khu vực. Trên toàn cầu, Việt Nam đang xếp thứ 5 về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.