Phát triển công nghiệp vật liệu nổ, vật liệu xây dựng
Xác định các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu vào sản xuất có vai trò quan trọng, không chỉ giúp TKV chủ động kế hoạch hoạt động mà còn tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động sản xuất- kinh doanh, do đó, trong nhiều năm qua, TKV đã tăng cường đầu tư phát triển lĩnh vực này. Trong đó, các sản phẩm phụ như vật liệu nổ công nghiệp, xi măng, hóa chất… được đặc biệt chú ý và trở thành nhân tố giúp ngành Than liên tục tăng trưởng.
Cụ thể, với vật liệu nổ công nghiệp, từ chỗ TKV và các đơn vị thành viên phải nhập khẩu hoàn toàn, phụ thuộc về thời gian và chất lượng từ đối tác cung ứng nước ngoài, đến nay các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ- Vinacomin (MICCO) đã hoàn toàn chủ động trong sản xuất. Các chủng loại sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp của MICCO ngày càng đa dạng, vừa bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất của các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Đồng thời, bước đầu, sản phẩm của MICCO đã vươn ra thị trường ngoài ngành như công nghiệp xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng...
Tương tự, trong lĩnh vực sản xuất xi măng, bằng cách tận dụng các sản phẩm phụ (clinke, đá...) trong quá trình khai thác than, khoáng sản làm nguyên liệu, nên các sản phẩm xi măng của TKV có những thế mạnh nhất định về chất lượng và giá thành.
Điển hình, với 3 nhà máy sản xuất xi măng tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, năm 2015, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV- CTCP (VVMI) đã sản xuất và tiêu thụ hơn 2 triệu tấn xi măng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Bên cạnh đó, TKV cũng hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hiệu quả, như: Tổng công ty Hòa Bình Minh (phân phối tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc), Công ty TNHH Thái Bình Minh (phân phối tại Lào Cai), Công ty TNHH Hà Phát (phân phối tại Hà Nội)…
Chủ động tham gia thị trường điện
Không chỉ tập trung phát triển công nghiệp xi măng, TKV cũng mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện năng và cơ khí chế tạo.
Theo đó, với thế mạnh là chủ động được nguồn nhiên liệu than, TKV đã sớm đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lò tầng sôi (CFB) cho phép tận dụng được lượng than xấu, nhiệt trị thấp.
Những nhà máy nhiệt điện, như: Cao Ngạn (Thái Nguyên), Na Dương (Lạng Sơn), Đông Triều, Cẩm Phả (Quảng Ninh) và Sơn Động (Bắc Giang) không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu điện lực TKV.
Tiếp nối thành công, hiện TKV và các đơn vị thành viên đang nỗ lực triển khai hàng loạt các nhà máy nhiệt điện, thủy điện khác, như: Thủy điện Đồng Nai 5 (Lâm Đồng), nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An), Na Dương II (Lạng Sơn)…
Trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất dầu nhờn, vận tải, xếp dỡ, với tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật hiện nay, các đơn vị cơ khí của TKV không những đáp ứng được yêu cầu của sản xuất than- khoáng sản mà còn được đánh giá là mạnh trong ngành Cơ khí Việt Nam.
Đơn cử, Công ty TNHH MTV vật tư, vận tải, xếp dỡ đã sản xuất thành công sản phẩm dầu nhờn Cominlub với chất lượng tương đương các hãng lớn trên thế giới. Chủng loại sản phẩm do công ty sản xuất rất đa dạng với gần 40 chủng loại dầu nhờn các loại, phục vụ các đơn vị khai thác lộ thiên cũng như thiết bị phục vụ khai thác hầm lò. Hiện nay, sản phẩm dầu nhờn Cominlub đã được sử dụng thành công và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong TKV và các ngành công nghiệp khác.
Theo Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Ngọc Cơ, các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ đã giúp tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động và đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp chính của TKV.
Nguồn: Hoàng Duân/Báo Công Thương điện tử