Linh hoạt với chính sách ưu đãi
Đại diện Bộ Công thương cho biết, kể từ năm 2016, doanh nghiệp dù là doanh nghiệp nội hay doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên trên sẽ được nhận những ưu đãi đầu tư hết sức đặc biệt không khác gì doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định quy định theo quy định của luật thuế xuất nhập khẩu. Về tín dụng, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển cũng sẽ được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của nhà nước. Doanh nghiệp cũng có thể được vay ngắn hạn bằng đồng tiền Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất vay theo trần lãi suất quy định của ngân hàng nhà nước tại từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, với những hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của mỗi dự án cũng sẽ được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Riêng với những doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và vừa thì ngoài những ưu đãi trên, sẽ được hưởng thêm những ưu đãi về tín dụng đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu đáp ứng được các điều kiện như: có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu sếp cho các dự án khác; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác. Doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trường hợp dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định sẽ được trình Chính phủ để có mức hỗ trợ phù hợp hoặc dự án đầu tư tại những địa phương khó khăn thì ngoài những hỗ trợ trên sẽ có hỗ trợ theo địa bàn.
Để những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, thành phố là nơi tập trung đông nhất những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm 2016, sở đã tham mưu triển khai nhiều giải pháp linh hoạt nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ tại thành phố. Đơn cử, trong quá trình thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ, phát sinh nhu cầu doanh nghiệp cần thiết phải xây dựng nhà xưởng cao tầng. Do đó, sở đã tham mưu để UBND TPHCM đã triển khai cho phép xây dựng. Hiện nay, thành phố đang có những quỹ hỗ trợ đầu tư như Quỹ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ đổi mới công nghệ; Chương trình kích cầu của thành phố đều tập trung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có những dự án phát triển tốt. Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này sẽ được ưu đãi lãi suất, không cần tài sản thế chấp, đổi mới công nghệ sản xuất. Sở đang xem xét đề xuất thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Có như vậy mới tạo đột phá trong đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Không ngại cấp phép cho ngành nghề nhạy cảm môi trường
Những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đã bước đầu tăng sức hấp dẫn trong hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Khảo sát trên 530 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, khả năng cung ứng sản phẩm hỗ trợ nội địa tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản đạt 9,3% khu vực phía Bắc và 17,3% khu vực phía Nam. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng sản phẩm hỗ trợ trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản còn rất lớn. Năm 2015, rất nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã sang tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với hình thức đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hợp tác cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam để cùng đầu tư, phát triển. Thế nhưng, tại Việt Nam đang có những quy định hạn chế ngành nghề phát triển ô nhiễm. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không hoàn thiện thành chuỗi mà phát triển cắt khúc. Bởi đa phần ngành công nghiệp hỗ trợ là những ngành có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử để có thể phát triển được nguồn nguyên liệu sản xuất cho dệt may, nhất định phải có những nhà máy nhuộm. Đây cũng là điều kiện cần để doanh nghiệp xuất khẩu dệt may hưởng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do. Tương tự, để có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thép và xi mạ là rất quan trọng. Tuy nhiên, thay vì hạn chế đầu tư thì nên cho phép đầu tư nhưng quản lý chặt khâu xử lý chất thải, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam lại hạn chế cấp phép thành lập doanh nghiệp nhuộm, xi mạ.
Mặt khác, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là rất yếu về nội lực và thiếu tầm nhìn dài hơi. Điều này xuất phát từ thực tế chính sách điều hành vĩ mô của nhà nước chưa phù hợp. Điển hình nhất là chính sách hỗ trợ vốn đầu tư. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ không thể có tài sản thế chấp đảm bảo yêu cầu trong khi quy định cho vay lại buộc xử lý hình sự người cho vay nếu không thu hồi được vốn vay. Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản cho thấy, Chính phủ phải chấp nhận gánh rủi ro cùng doanh nghiệp bằng cách chấp nhận đầu tư mạo hiểm cùng doanh nghiệp. Theo đó, chắc chắn sẽ xảy ra trường hợp có những dự án có khả năng thu hồi vốn nhưng cũng có những dự án không có khả năng thu hồi vốn. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng quan thì việc đầu tư hiệu quả sẽ có thể cân bằng cho đầu tư thiếu hiệu quả. Và quan trọng nhất là có như vậy mới tạo nền tảng cho ngành công nghiệp phát triển.
Nguồn: Ái Vân/sggp.org.vn