Theo TAC Index, Chỉ số vận tải hàng không Baltic, thể hiện cước phí vận chuyển hàng hóa tổng hợp hàng tuần của một số tuyến, đã tăng 6,4% trong tuần kết thúc vào 29/1/2024, đảo ngược xu hướng giảm kể từ mức cao điểm theo mùa - vào giữa tháng 12.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã buộc các công ty vận tải phải chuyển sang các tuyến đường dài hơn, khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm nhiều tuần.
Trong khi đó, nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 10/2, và các công ty đóng trên địa bàn Trung Quốc vội chuyển hàng đến cho khách hàng trước thời Tết.
Cước phí vận tải hàng không từ Thượng Hải đã tăng 8,8% vào ngày 29/1 so với một tuần trước đó, trong đó tăng mạnh nhất là tuyến đường Thượng Hải – Châu Âu. Cước phí vận tải từ Hong Kong (Trung Quốc) tăng 5,9% và từ Đông Nam Á tăng 10%.
Giám đốc điều hành của công ty vận tải DHL Global Forwarding Asia Pacific, Niki Frank, cho biết thời kỳ cao điểm trước dịp Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trùng với việc thời gian vận chuyển bằng đường biển bị kéo dài, cước phí đường biển cũng tăng cao, và tàu vận chuyển lại khan hiếm do xung đột ở Biển Đỏ. Tình hình này khiến nhiều công ty chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Cước phí vận tải hàng hóa bằng đường hàng không toàn cầu đã giảm liên tiếp kể từ đầu năm 2022 từ các mức cao kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Chỉ số cước phí hàng không Baltic đã giảm khoảng 24% vào ngày 29/1 so với cùng kỳ năm ngoái.
theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), vận tải bằng đường hàng không, thường đắt hơn vận tải bằng đường biển và chỉ chiếm chưa đến 1% khối lượng thương mại toàn cầu.
 

Nguồn: VITIC/Vinanet (Theo Reuters)