Bước nhảy vọt của ngành sợi
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu.
Khó tuyển lao động cho các nhà máy mới
Báo cáo phân tích ngành dệt may của SSI Research nêu lên rằng, nhà máy Vĩnh Long mới của Công ty May Thành Công đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2022, nhưng hiện chỉ có 5/29 dây chuyền sản xuất đang hoạt động do nhà máy đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động do cạnh tranh về lương. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho biết, trong năm 2021, Công ty May 10 đã đầu tư mở rộng một số nhà máy tại các tỉnh phía Bắc, nhưng hiện việc tuyển dụng lao động mới gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Giang, tiền đề cho sự tăng trưởng ấn tượng này chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Theo đó, 15 FTA đã tạo ra hành lang thị trường rộng mở có tính toàn diện cho các sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam. Trong đó, một số FTA có tính ràng buộc về quy tắc xuất xứ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, từ chỗ phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu sợi nhập khẩu, Việt Nam đã có thể chủ động được nguồn nguyên phụ liệu này. Trong năm 2021, xuất khẩu sợi của Việt Nam đã đạt tới 5,6 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,9 – 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, qua đó đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Ông Giang cho biết, sự phát triển của ngành sợi đến từ sự bứt phá về công nghệ tự động hóa, nhiều nhà máy kéo sợi đã có sự đầu tư rất lớn về công nghệ tự động hóa, quản trị số. Đặc biệt, ngành sợi Việt Nam đã đi đầu trong chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường. Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam cũng phát triển nhanh theo xu hướng xanh hóa, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước. Từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhãn hàng và được đánh giá rất cao.
Ở góc độ DN, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng chia sẻ những thông tin rất tích cực về xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, khách hàng ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản đã phục hồi nhanh chóng và đặt hàng với số lượng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí, một số khách hàng có lượng đặt hàng tăng cao hơn trước thời điểm dịch Covid-19. Kết quả, doanh thu xuất khẩu của May 10 ghi nhận mức tăng trên 30%.
Một số DN dệt may khác cũng đã công bố những kết quả kinh doanh tích cực trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ) và 87 tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ. Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 77,4 triệu USD, tăng trưởng 15% và lợi nhuận ròng đạt 4,4 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Cuối năm nhiều thách thức
Dù đã đạt được kết quả rất ấn tượng trong nửa đầu năm, song ông Vũ Đức Giang nhận định mục tiêu xuất khẩu 44-45 tỷ USD trong năm nay của ngành dệt may Việt Nam vẫn là một thách thức lớn, thậm chí có thể sẽ khó khả thi khi áp lực lạm phát đang tăng lên tại các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU. Bên cạnh đó, xung đột Nga và Ukraine đã khiến cho chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là chi phí xăng dầu, chi phí vận chuyển, từ đó tác động đến giá thành của DN dệt may Việt Nam.
“Hiện tại giá bông đang ở mức rất cao, trong khi giá sợi tăng không đáng kể nên chi phí của ngành kéo sợi đã tăng 20-30%” – ông Giang chia sẻ. Đặc biệt, Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) sẽ ảnh hưởng đến những đơn hàng mà các nhãn hàng đã ký với DN. Các nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương, vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ bông Tân Cương sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Và trên thực tế hiện đã có một số DN Việt Nam bị dừng đơn hàng.
Ông Thân Đức Việt cũng nhận định lượng tiêu thụ hàng dệt may tại Mỹ và EU sẽ giảm trong một vài quý tới trước áp lực của lạm phát. Trong khi đó, những tác động kéo dài của dịch Covid-19 khiến cho chi phí logistics vẫn ở mức cao, tình trạng tắc nghẽn, thiếu container chưa chấm dứt hoàn toàn. Mặc dù May 10 đã ký đơn hàng đến hết quý 3/2022, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston cao cấp đã có đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng ông Việt lo lắng rằng khách hàng có thể sẽ điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột nếu tồn kho tăng và sản lượng tiêu thụ giảm.
Trong báo cáo phân tích ngành dệt may được công bố mới đây, SSI Research chia sẻ thông tin rằng các công ty may mặc trong nước cho biết khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng trước 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý 4), do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.
Ở góc độ hiệp hội, ông Vũ Đức Giang khuyến nghị các DN nên tìm ra chuỗi cung ứng riêng cho mình và nên tận dụng thị trường Việt Nam. “Thị trường Việt Nam có thể có mức giá cao hơn một chút nhưng lại có lợi thể về tính ổn định và an toàn. Khi mua nguyên phụ liệu từ Việt Nam, các DN cũng sẽ chủ động được thời gian sản xuất và có thể chủ động đàm phám với nhà sản xuất vải về thời gian giao hàng, chất lượng và các yêu cầu khác…” – ông Giang thông tin.
Lãnh đạo Vitas cho biết, hiện ngành dệt may Việt Nam đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nguyên phụ liệu, trong đó, chủ động được về nguồn cung sợi. Đồng thời, đã đa dạng hóa các dòng vải, đặc biệt là vải dệt kim đã chủ động được 50%, còn dệt thoi và một số loại vải khác cũng đã chủ động được 40-42%. Đây là bước đột phá tích cực sau nhiều năm đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Thời gian tới, Vitas sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư vào phần cung còn thiếu hụt của ngành dệt may.